Cách phòng ngừa thoái hóa khớp

Mục lục

Phòng ngừa thoái hóa khớp là một bước quan trọng để bảo vệ sức khỏe xương khớp và duy trì chất lượng cuộc sống, đặc biệt khi tuổi tác ngày càng cao. Thoái hóa khớp không chỉ gây đau đớn mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hàng ngày. Việc phát hiện sớm, điều trị kịp thời và thay đổi lối sống là giải pháp hiệu quả giúp thuyên giảm các triệu chứng thoái hóa khớp.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Tổng quan về thoái hóa khớp

1.1 Thoái hóa khớp là gì?  

Thoái hóa khớp là một bệnh lý mạn tính gây tổn thương sụn khớp và các mô liên quan xung quanh khớp. Sụn khớp, vốn là lớp bao phủ bề mặt xương, hoạt động như một lớp đệm bảo vệ, giúp giảm ma sát giữa các khớp và đóng vai trò như “bộ phận giảm chấn” của cơ thể, đảm bảo sự vận động mượt mà và linh hoạt.

Thoái hóa khớp xảy ra khi phần sụn giữa hai đầu xương bị tổn thương, viêm nhiễm và chất bôi trơn tại khớp suy giảm. Nếu không được điều trị kịp thời, thoái hóa khớp có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.

Đây là một tình trạng phổ biến ở độ tuổi từ 40 đến 60 tuổi. Sau tuổi 45, phụ nữ sẽ có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nam giới từ 1.5 đến 2 lần.

1.2 Triệu chứng thoái hóa khớp

Các dấu hiệu thoái hóa khớp gối phổ biến, bao gồm:

  • Đau, sưng và cứng khớp
  • Hạn chế vận động khiến các hoạt động thường ngày (như đứng lên, ngồi xuống, leo cầu thang hoặc đi bộ) trở nên khó khăn hơn.
  • Xuất hiện âm thanh bất thường khi di chuyển khớp, người bệnh có thể nghe thấy tiếng lạo xạo hoặc răng rắc.

1.3 Nguyên nhân thoái hóa khớp

Một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc thoái hóa khớp bao gồm:

  • Các chấn thương nhẹ và mạn tính tại khớp do tai nạn, tập luyện thể thao quá mức hoặc vận động sai cách có thể đẩy nhanh quá trình thoái hóa.
  • Thừa cân, béo phì: Việc mang trọng lượng cơ thể quá lớn tạo áp lực lên các khớp, đặc biệt là khớp gối và cột sống, khiến khớp nhanh chóng bị tổn thương và thoái hóa.
  • Do tuổi tác và quá trình lão hoá tự nhiên của cơ thể.
  • Sụn khớp chịu áp lực trong thời gian dài.
  • Di truyền: Nếu trong gia đình có người bị thoái hóa khớp, nguy cơ mắc bệnh của các thành viên khác sẽ cao hơn so với người bình thường.
  • Di chứng từ các bệnh lý khác như loãng xương, nhiễm trùng khớp, hoặc viêm khớp dạng thấp… 
Chấn thương khớp, dù là do tai nạn, tập luyện quá sức hay động tác sai kỹ thuật, đều là những yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến thoái hóa khớp.
Chấn thương khớp, dù là do tai nạn, tập luyện quá sức hay động tác sai kỹ thuật, đều là những yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến thoái hóa khớp.

2. Cách phòng ngừa thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp là một quá trình tự nhiên và thường không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, các biện pháp phòng ngừa có thể làm chậm sự tiến triển của tình trạng này. Sau đây là các gợi ý từ chuyên gia và bác sĩ, giúp làm chậm quá trình thoái hóa khớp:

2.1. Duy trì thể trạng cơ thể phù hợp

Người nặng cân thường gây áp lực lớn lên các khớp, đặc biệt là khớp lưng, háng, gối và bàn chân. Chính vì thế, để phòng ngừa thoái hóa khớp, giảm cân là biện pháp quan trọng nếu bệnh nhân đang bị thừa cân.

2.2. Tập luyện thể dục, thể thao vừa sức

Để phòng ngừa thoái hóa khớp, việc tập luyện thể dục thể thao với cường độ vừa phải sẽ có lợi cho người bị viêm khớp, bao gồm: cải thiện sự dẻo dai của cơ bắp, tăng cường lưu thông máu và nuôi dưỡng lớp sụn khớp. Khi cơ bắp trở nên mạnh mẽ hơn, áp lực lên các khớp xương trong khi hoạt động sẽ giảm.

Tuy nhiên, tập luyện quá sức hoặc quá nhanh có thể gây hại cho các lớp sụn còn non yếu. Vì vậy, người bệnh nên chọn cường độ tập luyện phù hợp với tình trạng sức khỏe cá nhân, bắt đầu bằng những bài tập nhẹ nhàng và chậm rãi, sau đó từ từ tăng cường độ dựa trên phản ứng của cơ thể mình. 

Phòng ngừa thoái hóa xương khớp bằng cách tập luyện phù hợp với sức khỏe bản thân.
Phòng ngừa thoái hóa xương khớp bằng cách tập luyện phù hợp với sức khỏe bản thân.

2.3. Giữ tư thế cơ thể luôn thẳng

Khi cơ thể duy trì tư thế đứng thẳng, diện tích tiếp xúc giữa hai mặt sụn khớp sẽ tăng lên tối đa, làm giảm lực ép lên các khớp xuống mức thấp nhất, hạn chế tình trạng các khớp bị chịu lực quá nhiều.

2.4. Sử dụng các khớp lớn khi mang vác nặng

Để phòng ngừa thoái hóa khớp, người bệnh nên tận dụng nguyên tắc đòn bẩy ở các khớp lớn để giảm áp lực lên các khớp nhỏ như cổ chân, cổ tay, bàn chân và bàn tay nếu mang hoặc xách vật nặng. Các khớp lớn bao gồm khớp vai và khớp khuỷu tay ở tay, khớp gối và khớp háng ở chân.

2.5. Phòng ngừa thoái hóa khớp bằng chế độ dinh dưỡng

Để tái tạo sụn khớp và tăng cường độ dẻo dai, sức bền cho xương khớp, người bệnh cần cung cấp cho cơ thể các dưỡng chất thiết yếu hỗ trợ xương và sụn khỏe mạnh. Một số thói quen dinh dưỡng lành mạnh giúp phòng ngừa thoái hóa xương khớp bao gồm:

  • Giảm bớt các loại thực phẩm giàu purin và fructozo như thịt đỏ, gan, cá trích và thịt lợn muối.
  • Tránh các món ăn có thể làm tăng mỡ máu như bơ, thịt mỡ, xúc xích, dăm bông, hạn chế tiêu thụ bánh kẹo vì có thể gây ra tình trạng viêm tấy.
  • Bổ sung thực phẩm giàu acid omega-3 và vitamin D thông qua chế độ ăn uống hoặc viên nén để có hiệu quả giảm đau lâu dài.
  • Bổ sung dứa, chanh, đu đủ và bưởi vì các loại trái cây này các cung cấp enzyme kháng viêm cùng với vitamin C giúp kháng viêm hiệu quả.

2.6. Giữ nhịp sống hài hòa, thoải mái

Để phòng ngừa thoái hóa khớp, mọi người cần phải sắp xếp công việc một cách hợp lý, đảm bảo cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi. Các cơ quan trong cơ thể đều cần thời gian nghỉ ngơi để phục hồi năng lượng. Việc thực hiện đi thực hiện lại một động tác hoặc duy trì một tư thế làm việc trong thời gian dài có thể gây quá tải cho cơ bắp và tổn thương khớp.  

Khi cơ thể có dấu hiệu mệt mỏi hoặc đau nhức, cần ngừng ngay lập tức và nghỉ ngơi đầy đủ. Đặc biệt, từ độ tuổi 40 trở đi, người bệnh cần duy trì một lối sống cân bằng bao gồm chế độ sinh hoạt, luyện tập và ăn uống phù hợp.

2.7. Thay đổi tư thế thường xuyên

Để phòng ngừa thoái hóa khớp, mọi người nên chủ động thay đổi tư thế sinh hoạt thường xuyên. Hãy tránh việc nằm, ngồi hoặc đứng quá lâu ở một tư thế vì điều này có thể gây cản trở tuần hoàn máu và làm cứng các khớp. Đây được xem là nguyên nhân chủ yếu gây thoái hoá khớp do nghề nghiệp, đặc biệt là với những người làm việc văn phòng.  

Thay đổi tư thế sinh hoạt giúp phòng ngừa thoái hóa khớp.
Thay đổi tư thế sinh hoạt giúp phòng ngừa thoái hóa khớp.

2.8. Yêu cầu sự trợ giúp khi cần

Bất cứ khi nào cần trợ giúp, hãy nhờ người khác giúp đỡ để mang vác hoặc xách vật nặng. Việc cố gắng quá sức có thể gây ra đau nhức kéo dài và có nguy cơ dẫn đến các tổn thương nghiêm trọng hơn trên bề mặt sụn khớp.  

Các biện pháp được nêu trên là những cách phổ biến để phòng ngừa thoái hóa khớp và việc áp dụng kiên trì mỗi ngày sẽ giúp tăng cường sức mạnh cho cơ và xương khớp. Ngoài ra, nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào liên quan đến khớp, mọi người nên chủ động đi khám bác sĩ ngay để được chẩn đoán sớm và có hướng điều trị kịp thời.

Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City chuyên điều trị các chấn thương và bệnh lý liên quan đến hệ cơ xương khớp và dây chằng.  

Trung tâm có thế mạnh chuyên môn trong phẫu thuật, điều trị các bệnh lý:

  • Thay thế một phần hoặc toàn bộ đoạn xương và khớp nhân tạo;
  • Thay khớp háng, gối, khuỷu tay;
  • Thay khớp vai đảo ngược, các khớp nhỏ bàn ngón tay ;
  • Phẫu thuật nội soi khớp tái tạo và sửa chữa các tổn thương dây chằng, sụn chêm;
  • Ung thư xương, u xương và mô mềm cơ quan vận động;
  • Phục hồi chức năng chuyên sâu về Y học thể thao;
  • Phân tích vận động để chẩn đoán, theo dõi và cải thiện thành tích cho các vận động viên; chẩn đoán và hỗ trợ phục hồi cho người bệnh.

Trung tâm đang áp dụng các công nghệ hiện đại, tối tân vào điều trị như công nghệ tái tạo hình ảnh 3D và in 3D xương, khớp nhân tạo, công nghệ trợ cụ cá thể hóa được chế tạo và in 3D, công nghệ chế tạo và ứng dụng xương khớp nhân tạo bằng các vật liệu mới, kỹ thuật phẫu thuật chính xác bằng Robot. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ