Dấu hiệu điển hình cảnh báo ung thư xương

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Trần Đức Thanh - Bác sĩ Phẫu thuật u xương và phần mềm - Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Ung thư xương là một loại bệnh ác tính rất hiếm gặp, xảy ra khi một khối u hoặc một khối mô hình thành bất thường trong xương. Triệu chứng của ung thư xương thường khó phát hiện trong giai đoạn đầu của bệnh. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với bệnh ung thư xương phụ thuộc rất nhiều vào vị trí và giai đoạn ung thư tại thời điểm được chẩn đoán lần đầu.

1. Ung thư xương là như thế nào?

Ung thư xương là bệnh ác tính hiếm gặp, xảy ra khi một khối u hoặc một khối mô hình thành bất thường trong xương. Dựa trên vị trí xuất phát của các tế bào ác tính, ung thư xương được chia thành 2 loại:

  • Ung thư xương nguyên phát: Là loại ung thư nghiêm trọng nhất trong số các loại ung thư xương. Chúng hình thành trực tiếp trong xương hoặc mô xung quanh, chẳng hạn như sụn.
  • Ung thư xương thứ phát: là ung thư xương có nguồn gốc từ cơ quan khác di căn đến xương. Loại này phổ biến hơn ung thư xương nguyên phát.

Tùy thuộc vào đặc điểm mô bệnh học, có nhiều loại ung thư xương nguyên phát thường gặp bao gồm:

  • Đa u tủy xương (MM): Đa u tủy là loại ung thư xương phổ biến nhất. Nó xảy ra khi các tế bào ung thư phát triển trong tủy xương và gây ra các khối u ở nhiều xương khác nhau trong cơ thể. MM thường ảnh hưởng đến người lớn tuổi. Trong số các bệnh ung thư xương, MM có tiên lượng tốt nhất và nhiều người mắc bệnh này không cần điều trị.
  • Sarcoma xương hoặc sarcoma tạo xương thường ảnh hưởng đến trẻ em và thanh thiếu niên, nhưng nó cũng có thể xảy ra ở người lớn. Nó có xu hướng bắt nguồn từ đầu của các xương dài ở tay và chân. U xương cũng có thể bắt đầu ở hông, vai hoặc các vị trí khác. Thông thường, sarcoma xương ảnh hưởng chủ yếu đến lớp mô cứng bên ngoài của xương.
  • Sarcoma sụn: xảy ra ở xương chậu, vùng đùi và vai của người lớn tuổi. Các tế bào ác tính hình thành trong mô dưới sụn. Đây là bệnh ung thư nguyên phát phổ biến thứ hai liên quan đến xương.
  • Ewing's sarcoma: Ewing’s sarcoma là một loại ung thư xương hiếm gặp, có nguồn gốc từ các mô mềm xung quanh xương hoặc trực tiếp trong xương của trẻ em và thanh niên. Các xương dài của cơ thể (như cánh tay, chân) và xương chậu là những xương thường bị ảnh hưởng.

2. Triệu chứng của ung thư xương

Với mong muốn phát hiện sớm để điều trị khỏi bệnh, thắc mắc của nhiều người thường tập trung vào câu hỏi “ung thư xương có biểu hiện gì”. Một số triệu chứng của ung thư xương thường gặp trên lâm sàng bao gồm:

  • Đau đớn: Đau ở khu vực có khối u là triệu chứng của ung thư xương. Lúc đầu, cơn đau có thể không xuất hiện thường xuyên. Triệu chứng đau có thể trở nên tồi tệ hơn vào ban đêm hoặc khi vận động nhiều vùng xương bị ảnh hưởng. Theo thời gian, cơn đau có thể trở nên thường xuyên hơn và quấy rầy cuộc sống của người bệnh. Đôi khi một khối u có thể làm suy giảm chất lượng xương đến mức gây gãy xương, điều này có thể gây ra cơn đau dữ dội đột ngột.
  • Biến dạng xương hoặc sưng phồng do khối u: Một số khối u xương với kích thước lớn, nằm nông sát bề mặt da hoàn toàn có thể gây ra tình trạng biến dạng xương hoặc sưng phồng da ở khu vực này. Ngoài ra, sưng tấy da còn có thể xuất hiện do các biến chứng hoại tử, nhiễm trùng gây đau đớn cho người bệnh. Các khối ung thư trong xương đốt sống cổ đôi khi có thể gây chèn ép ở phía sau cổ họng dẫn đến khó nuốt hoặc khó thở.
  • Gãy xương: Ung thư xương có thể làm suy giảm mật độ xương, nhưng thường thì xương không dễ bị gãy. Những bệnh nhân ung thư xương có gãy xương thường mô tả một cơn đau dữ dội đột ngột ở xương bị đau trong vài tháng trước đó.

Một số triệu chứng ung thư xương khớp hiếm gặp khác bao gồm:

  • Ung thư trong xương cột sống có thể đè lên các dây thần kinh đi ra từ tủy sống. Điều này có thể gây tê và ngứa ran hoặc thậm chí yếu ở các bộ phận khác nhau của cơ thể, tùy thuộc vào vị trí của khối u.
  • Ung thư xương giống như nhiều loại ung thư khác, đôi khi cũng có thể gây giảm cân và mệt mỏi.
  • Nếu ung thư di căn đến các cơ quan khác, nó cũng có thể gây ra các triệu chứng khác tương ứng. Ví dụ, nếu ung thư di căn đến phổi, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng như ho hoặc khó thở.

Điều quan trọng cần lưu ý là những triệu chứng này cũng có thể do các tình trạng khác gây ra và việc có những triệu chứng này không nhất thiết có nghĩa là một người bị ung thư xương. Tuy nhiên, nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào trong số này, đặc biệt nếu chúng kéo dài hoặc trầm trọng hơn theo thời gian, thì điều quan trọng là phải gặp bác sĩ để được đánh giá. Phát hiện và điều trị sớm ung thư xương có thể cải thiện kết quả và tăng cơ hội điều trị thành công.


Sưng phồng do khối u là một trong các triệu chứng của ung thư xương khớp
Sưng phồng do khối u là một trong các triệu chứng của ung thư xương khớp

3. Nguyên nhân gây ra bệnh ung thư xương?

Nguyên nhân của ung thư xương không được biết chính xác, nhưng có một số yếu tố nhất định có thể góp phần gây bệnh hoặc làm tăng khả năng hình thành các khối u bất thường trong xương của một người, bao gồm:

  • Tốc độ tăng trưởng tế bào bất thường: Các tế bào khỏe mạnh liên tục phân chia và thay thế các tế bào cũ hơn. Sau khi hoàn thành quá trình này, chúng thường chết đi. Tuy nhiên, các tế bào bất thường sẽ không tuân theo quy luật tự nhiên này và vẫn tiếp tục sống. Chúng bắt đầu hình thành các khối mô rối hình thành các khối u.
  • Xạ trị: Xạ trị là một phương pháp điều trị nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư nguy hiểm, có thể được sử dụng để điều trị ung thư xương. Tuy nhiên, u xương có thể hình thành ở một số người được điều trị với phương pháp xạ trị. Việc sử dụng liều lượng bức xạ cao có thể là một yếu tố nguy cơ.
  • Tiền sử gia đình bị ung thư, đặc biệt là ung thư xương đã từng được điều trị hoặc xạ trị trong quá khứ, mắc bệnh Paget, là một tình trạng khiến xương bị gãy và sau đó phát triển trở lại một cách bất thường hiện tại hoặc trước đây có nhiều khối u trong sụn, là mô liên kết trong xương.

4. Chẩn đoán ung thư xương là như thế nào?

Các bác sĩ sẽ sử dụng các phương pháp sau để xác định giai đoạn của bệnh ung thư xương:

  • Xquang tại chỗ tổn thương, MRI tại chỗ tổn thương
  • CT phổi
  • Sinh thiết, phân tích một mẫu mô nhỏ để chẩn đoán ung thư
  • Xạ hình xương
  • Xét nghiệm máu

MRI giúp bác sĩ xác định triệu chứng của ung thư xương và chẩn đoán xác định
MRI giúp bác sĩ xác định triệu chứng của ung thư xương và chẩn đoán xác định

5. Điều trị ung thư xương như thế nào?

Kế hoạch điều trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm giai đoạn của bệnh ung thư, tuổi, sức khỏe tổng quát của người bệnh, kích thước và vị trí của khối u.

5.1. Phương pháp điều trị bằng thuốc

Thuốc điều trị ung thư xương bao gồm các loại sau:

  • Thuốc hóa trị cho bệnh đa u tủy
  • Thuốc giảm đau để giảm viêm và khó chịu
  • Bisphosphonates để giúp ngăn ngừa mất xương và bảo vệ cấu trúc xương
  • Thuốc độc tế bào để ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư.

5.2. Điều trị bằng phẫu thuật hoặc xạ trị

Một số trường hợp khác có thể phải phẫu thuật loại bỏ khối u hoặc mô bị ảnh hưởng. Phẫu thuật để loại bỏ và thay thế xương bị tổn thương là một lựa chọn để ngăn chặn ung thư lây lan gọi là phẫu thuật bảo tồn chi. Hiện nay, trên 90% các trường hợp ung thư xương được phẫu thuật bảo tồn chi.

Ung thư xương là một bệnh lý ác tính không phổ biến, các triệu chứng của ung thư xương có thể là biểu hiện của các biến chứng và dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác, chẳng hạn như chấn thương hoặc viêm khớp. Tuy nhiên, nếu bạn có các triệu chứng kéo dài hoặc trở nên tồi tệ hơn, bạn cần phải đi khám bác sĩ để có thể tìm ra nguyên nhân và phương án điều trị nếu cần.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe