Viêm ruột thừa nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng. Vì vậy, việc theo dõi các triệu chứng và khám bác sĩ ngay khi có dấu hiệu bệnh là rất quan trọng. Thông thường, phẫu thuật cắt ruột thừa là phương pháp điều trị hiệu quả, giúp người bệnh hồi phục hoàn toàn sau điều trị.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ chuyên khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Viêm ruột thừa là gì?
Nằm ở dưới bên phải bụng, ruột thừa là một túi nhỏ có hình dáng giống ngón tay và được gắn vào đại tràng. Dù các chuyên gia vẫn chưa xác định rõ vai trò của bộ phận này nhưng khi bị viêm và nhiễm trùng, ruột thừa gây đau đớn - gọi là viêm ruột thừa.
Đối với những người bị viêm ruột thừa, phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa là phương pháp điều trị cần thiết và hầu hết bệnh nhân sẽ hồi phục hoàn toàn sau đó. Nếu không được điều trị kịp thời, viêm ruột thừa có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng, như vỡ ruột thừa hoặc viêm phúc mạc.
1.1 Viêm ruột thừa có nguy hiểm không?
Khi ruột thừa bị viêm dẫn đến vỡ (hay còn gọi là "rụp"), nhiễm trùng trong ruột thừa có thể lan rộng vào khoang bụng, gây ra viêm phúc mạc. Đây là một biến chứng nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng nếu nhiễm trùng lan vào máu. Tuy nhiên, nếu được điều trị kịp thời bằng phẫu thuật và kháng sinh, tình trạng này có thể được kiểm soát, ngăn ngừa hoặc giảm mức độ nghiêm trọng.
2. Triệu chứng viêm ruột thừa
Khi bị bệnh, người bệnh thường cảm thấy đau bụng nghiêm trọng ở gần rốn rồi dần dần chuyển xuống phía dưới bên phải. Đặc biệt, khi người bệnh di chuyển, ho, hắt hơi hoặc hít thở sâu thì cơn đau sẽ trở nên tồi tệ hơn.
Ngoài ra, một số dấu hiệu viêm ruột thừa khác cũng có thể xuất hiện như:
Nếu gặp phải các triệu chứng này, người bệnh cần liên hệ ngay với bác sĩ.

3. Ai dễ mắc viêm ruột thừa?
Viêm ruột thừa có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng phổ biến ở độ tuổi từ 10 đến 30. Ở Hoa Kỳ, tỷ lệ mắc bệnh là khoảng 1 trên 1.000 người.
Nếu trong gia đình có người từng mắc bệnh, nguy cơ sẽ cao hơn. Ngoài ra, nếu người bệnh có con bị xơ nang, nguy cơ viêm ruột thừa ở trẻ cũng cao hơn.
4. Nguyên nhân bị viêm ruột thừa
Bệnh lý này xảy ra khi một vật thể nào đó như phân, ký sinh trùng hoặc khối u chặn ruột thừa, tạo điều kiện cho vi khuẩn trong ruột thừa phát triển mất kiểm soát, gây nhiễm trùng và sưng tấy.
Ngoài ra, viêm ruột thừa còn có thể do nhiễm trùng đường tiêu hóa hoặc bệnh viêm ruột gây ra. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, bác sĩ thường không thể xác định được nguyên nhân gây bệnh chính xác.

5. Chẩn đoán viêm ruột thừa
Để kiểm tra tình trạng đau bụng, bác sĩ sẽ nhẹ nhàng ấn vào vùng bụng và hỏi về cơn đau. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể cần làm một số xét nghiệm như xét nghiệm máu và nước tiểu.
Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, CT scan hoặc MRI thường được sử dụng để quan sát hình ảnh bên trong bụng, giúp bác sĩ phát hiện các dấu hiệu viêm ruột thừa cũng như loại trừ các bệnh lý khác.
6. Liệu có cần phẫu thuật khi mắc viêm ruột thừa?
Phẫu thuật là phương pháp điều trị viêm ruột thừa cần thiết cho phần lớn người bệnh, đặc biệt khi ruột thừa đã bị vỡ. Bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ ruột thừa vỡ và làm sạch mọi chất lỏng nhiễm trùng trong khoang bụng. Nếu ruột thừa chưa bị vỡ, bác sĩ thường chỉ định điều trị bằng kháng sinh. Tuy nhiên, do bệnh có khả năng tái phát, bác sĩ vẫn khuyến khích bệnh nhân thực hiện phẫu thuật.
6.1 Trước khi phẫu thuật
Để điều trị nhiễm trùng, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng kháng sinh. Nếu ruột thừa vỡ, một số bệnh nhân phải cần điều trị ổ mủ trong bụng. Khi đó, bác sĩ có thể sử dụng kim hoặc ống dẫn để hút ổ mủ ra khỏi bụng. Sau khi xử lý ổ mủ và kiểm soát được nhiễm trùng (quá trình này có thể kéo dài vài tuần), người bệnh sẽ được phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa.
6.2 Phẫu thuật cắt ruột thừa
Phẫu thuật cắt ruột thừa (appendectomy) là phương pháp điều trị viêm ruột thừa phổ biến nhất. Trong suốt quá trình phẫu thuật, người bệnh sẽ được gây mê để ngủ và không cảm thấy đau. Hai loại phẫu thuật thường được dùng bao gồm:
- Phẫu thuật mổ mở: Một vết mổ dài được thực hiện trên bụng và ruột thừa sẽ được cắt bỏ.
- Phẫu thuật nội soi: Bác sĩ sẽ tạo ra một vài vết mổ nhỏ, dùng các dụng cụ nhỏ để nhìn vào bên trong bụng, sau đó cắt bỏ ruột thừa.
6.3 Sau khi phẫu thuật
Sau khi phẫu thuật, nhóm chăm sóc sẽ đưa người bệnh vào phòng hồi sức để theo dõi nhịp tim, hô hấp và huyết áp. Khi tình trạng ổn định và người bệnh tỉnh táo thì sẽ được chuyển về phòng bệnh để nhận thuốc giảm đau.
Nếu là phẫu thuật nội soi viêm ruột thừa, người bệnh có thể được ra khỏi giường sau vài giờ. Còn với phẫu thuật mổ mở, người bệnh cần di chuyển vào ngày hôm sau. Thông thường, thời gian xuất viện là từ 1-2 ngày hoặc lâu hơn nếu ruột thừa bị vỡ.
6.4 Khi về nhà
Người bệnh thường gặp khó khăn trong việc tập trung từ 1-2 ngày sau phẫu thuật viêm ruột thừa khi thuốc gây mê hết tác dụng. Vì vậy, cho đến khi bác sĩ cho phép, người bệnh tuyệt đối không được lái xe hoặc uống rượu.
Nếu bác sĩ đã kê thuốc giảm đau, người bệnh nên sử dụng đúng theo hướng dẫn, đồng thời hãy uống nhiều nước và ăn những thực phẩm nhạt như bánh quy, khoai tây nghiền, cơm hoặc bánh mì nướng khi có cảm giác thèm ăn trở lại.

7. Khi nào cần liên hệ bác sĩ về tình trạng viêm ruột thừa?
Nếu gặp các triệu chứng sau, người bệnh hãy liên hệ ngay với bác sĩ về tình trạng viêm ruột thừa của mình:
- Sưng, chuột rút hoặc đau bụng.
- Đau quanh vết mổ nặng hơn.
- Nôn mửa, ớn lạnh hoặc sốt.
- Vết mổ bị chảy máu, có mùi hôi hoặc ửng đỏ.
- Không thèm ăn, đi tiêu hoặc xì hơi sau 2 ngày.
- Tiêu chảy kéo dài quá 3 ngày.
- Khó thở, hụt hơi hoặc ho liên tục.
8. Mẹo chăm sóc vết mổ
Sau khi phẫu thuật viêm ruột thừa, việc giữ vết mổ sạch sẽ và khô ráo là rất quan trọng. Do đó, người bệnh nên thực hiện một số mẹo sau:
- Rửa tay trước và sau khi tiếp xúc với vùng da quanh vết mổ,
- Thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ về cách tắm rửa và thời điểm thay hoặc tháo băng.
- Không nên mặc quần áo bó sát hoặc làm từ chất liệu thô cứng vì có thể làm vết mổ bị kích ứng.
- Tránh để vùng da mổ tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng để ngăn ngừa vết sẹo bị thâm.
Thông thường, thời gian để vết mổ lành kéo dài từ 4 đến 6 tuần. Trong vòng 12 tháng, vết sẹo sẽ mềm đi và mờ dần.
9. Quá trình hồi phục bệnh
Trong giai đoạn đầu của quá trình hồi phục từ viêm ruột thừa, người bệnh sẽ cảm thấy mệt mỏi hơn bình thường nên cần thực hiện một số điều sau:
- Làm theo lời khuyên của bác sĩ về việc tăng cường hoạt động một cách từ từ.
- Đợi tối đa 2 tuần trước khi tham gia vào các hoạt động nặng.
- Nếu cảm thấy khỏe hơn và muốn trở lại công việc sớm, người bệnh đừng ngần ngại hỏi ý kiến bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd