Viêm ruột thừa hay đầy hơi: Làm sao để phân biệt?

Mục lục

Viêm ruột thừa hay đầy hơi đều có thể gây đau bụng khó chịu, nhưng đây là hai tình trạng hoàn toàn khác nhau. Việc phân biệt đúng giữa chúng rất quan trọng để xác định phương pháp điều trị phù hợp. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về sự khác biệt giữa viêm ruột thừa và đầy hơi, cũng như cách nhận biết chính xác từng tình trạng.  

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Tình trạng đau nhói ở bụng là do viêm ruột thừa hay đầy hơi?

Đôi khi, chúng ta sẽ cảm thấy cơn đau nhói ở vùng bụng. Tình trạng này thường là do khí tích tụ (đầy hơi) hoặc viêm ruột thừa gây ra. Việc phân biệt rõ ràng giữa hai tình trạng này là rất quan trọng vì viêm ruột thừa có thể đe dọa đến tính mạng. Vậy, viêm ruột thừa là gì?

Viêm và nhiễm trùng ruột thừa do tắc nghẽn thường là nguyên nhân dẫn đến viêm ruột thừa. Khi đó, người bệnh có thể cần phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa. Trong khi đó, đầy hơi cũng có thể gây đau bụng nhói nhưng chỉ xảy ra trong thời gian ngắn và không cần can thiệp y tế. Tình trạng này xảy ra do nuốt khí khi ăn uống hoặc do vi khuẩn đường ruột tạo ra khí trong quá trình tiêu hóa thức ăn.

Để có cách điều trị thích hợp, người bệnh cần nhận diện đúng liệu bản thân đang mắc viêm ruột thừa hay chỉ bị đầy hơi.

Bị đau ở bụng có thể do tình trạng viêm ruột thừa hoặc đầy hơi gây ra.
Bị đau ở bụng có thể do tình trạng viêm ruột thừa hoặc đầy hơi gây ra.

2. Các triệu chứng của viêm ruột thừa

Đau đột ngột và mạnh mẽ ở vùng dưới bụng bên phải là dấu hiệu viêm ruột thừa điển hình. Cơn đau này cũng có thể bắt đầu gần rốn và dần di chuyển xuống phía bên phải. Ban đầu, người bệnh sẽ cảm thấy giống như cơn chuột rút. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ tồi tệ hơn khi ho, hắt hơi hoặc đi lại. Các dấu hiệu khác của viêm ruột thừa thường thấy gồm:

  • Buồn nôn và ói mửa.
  • Sốt nhẹ.
  • Tiêu chảy hoặc táo bón.
  • Chướng bụng.
  • Cảm giác chán ăn.

2.1. Triệu chứng của viêm ruột thừa ở trẻ em

Viêm ruột thừa có thể xảy ra ở bất kỳ ai, phổ biến nhất ở nhóm tuổi từ 10 đến 20. Trẻ em khi mắc bệnh sẽ cảm thấy cơn đau bụng dữ dội kèm theo một số triệu chứng như:

  • Buồn nôn, ói mửa.
  • Bị đau bụng khi chạm vào.
  • Thường phải cúi người khi di chuyển.
  • Khi ngủ phải nằm nghiêng người, đầu gối hướng lên trên.

2.2. Biểu hiện viêm ruột thừa khi mang thai

Mặc dù hiếm khi xảy ra, viêm ruột thừa cũng có khả năng xuất hiện trong thai kỳ. Dấu hiệu của viêm ruột thừa khi mang thai giống như ở người không mang thai nhưng vị trí của ruột thừa sẽ thay đổi vì sự phát triển của em bé, khiến ruột thừa nằm cao hơn trong bụng. Nếu ruột thừa bị vỡ, đây sẽ là một tình huống nguy hiểm đối với cả mẹ và bé.

Đau bụng nhức đầu khi mang thai cần xác định do viêm ruột thừa hay đầy hơi để điều trị kịp lúc.
Đau bụng nhức đầu khi mang thai cần xác định do viêm ruột thừa hay đầy hơi để điều trị kịp lúc.

3. Triệu chứng của đầy hơi

Trong khi viêm ruột thừa thường gây đau cục bộ ở phần bụng dưới bên phải, đầy hơi có thể tạo cảm giác đau ở bất kỳ vị trí nào trong bụng, đôi khi còn gây đau ngực. Cơn đau do đầy hơi có thể kéo dài vài phút hoặc vài giờ rồi tự hết mà không cần can thiệp y tế.

Tuy nhiên, khi cơn đau kéo dài trong nhiều giờ mà không có dấu hiệu thuyên giảm, việc phân biệt giữa viêm ruột thừa và đầy hơi sẽ gặp khó khăn. Vì vậy, người bệnh cần liên hệ với bác sĩ để được chẩn đoán chính xác.

4. Khi nào cần đến sự trợ giúp y tế?

Khi cơn đau bất ngờ xuất hiện ở bụng dưới bên phải và trở nên dữ dội, người bệnh nên để ý đến những triệu chứng đi kèm như sốt, buồn nôn và các vấn đề tiêu hóa. Nếu cơn đau không thuyên giảm và có xu hướng trở nên tồi tệ hơn, người bệnh cần liên hệ ngay với bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để nhận sự trợ giúp.

5. Chẩn đoán viêm ruột thừa hay đầy hơi

Để đưa ra chẩn đoán chính xác về căn bệnh, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh làm một số bài kiểm tra thể chất, đồng thời xem xét các triệu chứng và tiền sử bệnh. Thêm vào đó, các xét nghiệm cơ bản khác cũng thường được chỉ định bao gồm:  

  • Xét nghiệm máu: Kiểm tra sự gia tăng số lượng tế bào bạch cầu để xác định nguy cơ nhiễm trùng.
  • Xét nghiệm nước tiểu: Xác định xem nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) hay sỏi thận có phải nguyên nhân gây ra các triệu chứng không.
  • Xét nghiệm hình ảnh: Siêu âm, chụp CT để kiểm tra nguy cơ viêm ruột thừa hoặc tắc ruột.
Xét nghiệm máu sẽ được bác sĩ chỉ định để phân biệt viêm ruột thừa hay đầy hơi.
Xét nghiệm máu sẽ được bác sĩ chỉ định để phân biệt viêm ruột thừa hay đầy hơi.

6. Điều trị viêm ruột thừa

Cắt bỏ ruột thừa là phẫu thuật phổ biến nhất để điều trị viêm ruột thừa. Các loại thuốc kháng sinh có thể được kê đơn cho bệnh nhân để điều trị các nhiễm trùng còn sót lại.  

6.1 Phẫu thuật mở

Phẫu thuật mở ở vùng bụng dưới bên phải thường được thực hiện trong trường hợp ruột thừa bị vỡ và cần xử lý tình trạng nhiễm trùng tại khu vực xung quanh.

6.2 Phẫu thuật nội soi

Một ống thông sẽ được bác sĩ đưa qua vết mổ nhỏ để bơm khí vào khoang bụng, giúp nhìn rõ ruột thừa. Sau đó, ống nội soi sẽ được sử dụng để hỗ trợ quá trình quan sát và cắt bỏ ruột thừa. So với mổ mở, phẫu thuật nội soi ít nguy cơ hơn và có thể áp dụng được cho cả bệnh nhân mang thai bị viêm ruột thừa.

Phẫu thuật nội soi khá phổ biến với tình trạng viêm ruột thừa.
Phẫu thuật nội soi khá phổ biến với tình trạng viêm ruột thừa.

7. Xử lý tình trạng đầy hơi tại nhà

Chế độ ăn uống là yếu tố chính gây ra hầu hết các cơn đau do đầy hơi, vì thế việc thay đổi một số thói quen ăn uống sẽ giúp làm giảm tình trạng này. Người bệnh nên theo dõi thực phẩm mình ăn trong nhật ký dinh dưỡng và chú ý đến thời điểm xuất hiện triệu chứng đầy hơi. Ngoài ra, người bệnh còn có thể áp dụng một số biện pháp khác như:  

  • Uống trà hoa cúc hoặc trà bạc hà.
  • Pha loãng giấm táo với nước để uống.
  • Sử dụng các loại thuốc không kê đơn như Simethicone để loại bỏ bong bóng khí gây đầy hơi trong cơ thể.
  • Dùng thuốc bổ sung Lactose nếu cơ thể không dung nạp Lactose và gặp cơn đau kèm triệu chứng sau khi ăn thực phẩm từ sữa.
  • Đi bộ hoặc thực hiện các bài tập nhẹ nhàng

Hy vọng bài viết này đã giúp người bệnh nhận diện rõ ràng liệu cơn đau bụng là do viêm ruột thừa hay đầy hơi. Nếu tình trạng đau kéo dài và kèm theo các triệu chứng khác, việc liên hệ với bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị sớm là điều cần thiết.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ