Viêm ruột thừa là tình trạng viêm nhiễm cấp tính của ruột thừa - một phần ruột nhỏ hình ống nằm ở vùng bụng dưới bên phải. Đây là một cấp cứu ngoại khoa phổ biến, thường gặp ở mọi lứa tuổi. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, viêm ruột thừa có thể gây biến chứng nghiêm trọng như vỡ ruột thừa cùng nhiễm trùng ổ bụng.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ chuyên khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Viêm ruột thừa là gì?
Viêm ruột thừa là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở ruột thừa - một cấu trúc nhỏ nằm ở vùng bụng dưới bên phải. Đây là một cấp cứu y khoa, đòi hỏi phẫu thuật khẩn cấp để cắt bỏ ruột thừa. Tuy nhiên, việc cắt bỏ ruột thừa không gây ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể và người bệnh vẫn có thể sống khỏe mạnh mà không cần cơ quan này.
Viêm ruột thừa được chia thành hai loại chính:
- Viêm ruột thừa cấp tính: Đây là dạng phổ biến nhất. Tình trạng thường khởi phát đột ngột với các triệu chứng nghiêm trọng nhanh chóng trong vài giờ.
- Viêm ruột thừa mạn tính: Loại này ít phổ biến hơn với tình trạng viêm kéo dài và các triệu chứng nhẹ hơn. Tuy nhiên, cơn đau có thể tái phát sau nhiều tuần, tháng hoặc thậm chí vài năm. Do bệnh có những biểu hiện không đặc trưng nên việc chẩn đoán thường khó khăn và cần sự theo dõi kỹ lưỡng từ bác sĩ.

2. Nguyên nhân gây viêm ruột thừa là gì?
Tại Hoa Kỳ, cứ 20 người thì có 1 người sẽ mắc bệnh vào một thời điểm nào đó trong đời. Mặc dù bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, viêm ruột thừa hiếm gặp ở trẻ dưới 2 tuổi và phổ biến nhất ở độ tuổi từ 10 đến 30. Đặc biệt, tỷ lệ mắc bệnh cao hơn ở những người được chỉ định giới tính nam khi sinh.
Ngoài ra, nếu gia đình có tiền sử viêm ruột thừa, nguy cơ mắc bệnh cũng sẽ cao hơn. Tuy đây không được coi là bệnh di truyền nhưng một số yếu tố di truyền nhất định có thể góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Viêm ruột thừa xảy ra khi ruột thừa bị tắc nghẽn, thường do các nguyên nhân như phân, vật thể lạ (không thuộc cơ thể) hoặc ung thư. Nhiễm trùng cũng là một nguyên nhân gây tắc nghẽn khi ruột thừa sưng lên để phản ứng với vi khuẩn trong cơ thể.
Một số tình trạng phổ biến liên quan đến bệnh bao gồm:
- Sỏi ruột thừa: Phân cũ bị khô lại, hình thành những viên sỏi cứng mắc kẹt tại lỗ mở của ruột thừa. Những viên sỏi này chứa vi khuẩn và có thể giữ thêm vi khuẩn khác, dẫn đến viêm nhiễm.
- Tăng sản hạch bạch huyết: Hệ bạch huyết vốn là một phần của hệ miễn dịch, phản ứng với nhiễm trùng hoặc virus bằng cách tăng sản sinh tế bào bạch cầu tại các hạch bạch huyết. Ruột thừa chứa mô bạch huyết và khi mô này bị sưng lên, dù không phải do nhiễm trùng, vẫn có thể gây tắc nghẽn và dẫn đến viêm.
- Viêm đại tràng: Khi ruột già bị viêm, nhiễm trùng hoặc kích ứng có thể lan sang ruột thừa, gây viêm nhiễm.
- Khối u: Dù hiếm gặp, khối u có thể phát triển bên trong ruột thừa, dẫn đến tắc nghẽn và viêm ruột.
- Ký sinh trùng: Một số loại ký sinh trùng có thể làm tắc nghẽn hoặc gần tắc nghẽn ruột thừa, dẫn đến tình trạng viêm.
- Bệnh xơ nang: Ở người mắc bệnh xơ nang, ruột thừa thường lớn hơn bình thường.
3. Các triệu chứng điển hình của viêm ruột thừa
Viêm ruột thừa thường biểu hiện qua các triệu chứng đặc trưng sau:
- Đau bụng dưới bên phải: Đây là triệu chứng của viêm ruột thừa sớm phổ biến. Cơn đau có thể bắt đầu quanh rốn và lan dần xuống bụng dưới bên phải. Tuy nhiên, vị trí đau có thể thay đổi tùy vào vị trí của ruột thừa trong cơ thể. Nếu ruột thừa nằm sau đại tràng, cơn đau có thể cảm nhận ở gần vùng khung chậu. Đối với phụ nữ mang thai, cơn đau có thể xuất hiện ở vị trí cao hơn do sự thay đổi vị trí của ruột thừa trong thai kỳ.
- Chán ăn.
- Buồn nôn và nôn ngay sau khi bắt đầu cơn đau bụng, khiến người bệnh cảm thấy khó chịu.
- Bụng sưng.
- Sốt nhẹ từ 37,2°C đến 38,9°C,
- Khó xì hơi.
Các biểu hiện viêm ruột thừa ít gặp hơn bao gồm:
- Cơn đau âm ỉ hoặc đau nhói xuất hiện ở vùng bụng trên, bụng dưới, lưng hoặc mông.
- Đau hoặc cảm giác khó khăn khi đi tiểu.
- Tình trạng nôn mửa xảy ra trước khi cảm nhận đau bụng.
- Chuột rút dữ dội.
- Táo bón hoặc tiêu chảy kèm theo cảm giác đầy hơi.
Các triệu chứng bất thường khi mang thai, bao gồm:
- Ợ nóng hoặc khó tiêu.
- Đau ở vùng khung chậu.
- Đau dưới khung sườn.
- Đau khi đi tiểu.
Nếu đang gặp bất kỳ triệu chứng nào kể trên, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức. Viêm ruột thừa cấp tính có thể khởi phát đột ngột và tiến triển nhanh chóng trong vòng 24 giờ. Việc chẩn đoán và điều trị kịp thời là rất quan trọng. Người bệnh cũng lưu ý trước khi khám, tránh ăn uống hoặc sử dụng bất kỳ loại thuốc giảm đau, thuốc kháng axit, thuốc nhuận tràng hay miếng đệm nhiệt nào.

4. Các phương pháp chẩn đoán
Việc chẩn đoán bệnh thường gặp khó khăn do các triệu chứng không đặc hiệu hoặc dễ nhầm lẫn với những bệnh lý khác. Những bệnh có triệu chứng tương tự bao gồm: rối loạn chức năng túi mật, nhiễm trùng bàng quang hoặc đường tiết niệu, bệnh Crohn, viêm dạ dày, sỏi thận, nhiễm trùng đường ruột hoặc các vấn đề liên quan đến buồng trứng.
Các xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán viêm ruột thừa bao gồm:
- Khám bụng: Nhằm phát hiện các dấu hiệu viêm hoặc đau bất thường.
- Xét nghiệm nước tiểu: Giúp loại trừ các trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Khám trực tràng: Được thực hiện để đánh giá các bất thường tại vùng trực tràng.
- Xét nghiệm máu: Kiểm tra xem cơ thể có dấu hiệu nhiễm trùng hoặc viêm nhiễm hay không.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): Là phương pháp chẩn đoán chính xác nhất.
- Siêu âm: Một kỹ thuật hình ảnh hữu ích trong việc phát hiện bệnh, đặc biệt ở trẻ em và phụ nữ mang thai.
- Xét nghiệm thai và siêu âm: Được sử dụng để loại trừ trường hợp thai ngoài tử cung khi có dấu hiệu tương tự.
- Khám phụ khoa: Nhằm loại trừ các bệnh lý khác như viêm vùng chậu, u nang buồng trứng hoặc các vấn đề liên quan đến cơ quan sinh sản.
5. Điều trị viêm ruột thừa
Viêm ruột thừa gần như được coi là một tình trạng cần được cấp cứu ngay lập tức. Phương pháp điều trị chuẩn cho tình trạng này là phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa, hay còn gọi là phẫu thuật cắt ruột thừa.
Thông thường, sau khi chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa sớm để ngăn ngừa nguy cơ vỡ ruột thừa, gây nhiễm trùng ổ bụng nghiêm trọng. Trong trường hợp có ổ áp-xe quanh ruột thừa, quá trình điều trị viêm ruột thừa sẽ bao gồm hai giai đoạn: đầu tiên là dẫn lưu mủ và dịch từ ổ áp-xe, sau đó thực hiện phẫu thuật cắt ruột thừa.
Tuy nhiên, một số nghiên cứu gần đây cho thấy, đối với tình trạng cấp tính không biến chứng, điều trị bằng kháng sinh có thể là một phương án thay thế, tránh việc phải can thiệp phẫu thuật trong một số trường hợp nhất định.
Như vậy, bài viết trên cũng đã cung cấp toàn bộ thông tin cần thiết về bệnh viêm ruột thừa, bao gồm nguyên nhân gây bệnh, các triệu chứng thường gặp, phương pháp chẩn đoán và các biện pháp điều trị hiệu quả. Hy vọng rằng, qua những thông tin này, mọi người sẽ có thêm kiến thức bổ ích để chủ động theo dõi sức khỏe, phát hiện bệnh sớm và giảm thiểu tối đa những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Xem thêm: Tổng quan về viêm ruột thừa (P2)
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd