Cây hy thiêm chữa bệnh gì?

Lo ngại tác dụng phụ của các thuốc tân dược khiến nhiều người bệnh tìm đến dược liệu tự nhiên để chữa các bệnh lý xương khớp. Một trong số đó không thể không nhắc đến cây hy thiêm. Vậy cây hy thiêm có tác dụng gì và cây hy thiêm chữa bệnh gì?

1. Đặc điểm nhận biết cây hy thiêm

Dược liệu hy thiêm dùng làm thuốc là phần trên mặt đất đã phơi/sấy khô của cây hy thiêm. Hy thiêm dược liệu có tên khoa học là Siegesbeckia orientalis, thuộc họ Cúc - Asteraceae. Cây hy thiêm được sử dụng lần đầu tiên ở nước Sở (một nước ở miền nam Trung Quốc xưa). Từ “Hy” trong cây hy thiêm có nghĩa là lợn, còn thiêm nghĩa là một loại cỏ đắng cay, có độc. Do đó, tên gọi hy thiêm được đặt là vì loại cây này có vị đắng cay và có mùi như lợn.

Ngoài ra, hy thiêm dịch ra tiếng Việt nghĩa là "cứt lợn", tuy nhiên cái tên "cứt lợn" dễ gây nhầm lẫn với một cây khác hoàn toàn thuộc họ Cúc, do đó cần phải chú ý khi sử dụng. Bên cạnh đó, cây hy thiêm còn có tên gọi dân gian là cỏ đĩ vì hoa có chất gây dính, khi đi qua sẽ dính lên người.

Một số đặc điểm nhận biết cây hy thiêm:

  • Thuộc loại cây thân cỏ sống hàng năm, chiều cao khoảng 30-40cm đến, có khi lên đến 1m, thân chia thành nhiều cành;
  • Thân rỗng ở giữa, đường kính khoảng 0.2-0.5 cm. Mặt ngoài màu nâu nhạt hoặc hơi sẫm. Trên thân chia nhiều rãnh dọc chạy song song và nhiều lông ngắn xếp sát nhau;
  • Lá mọc đối xứng, phiến lá nhăn nheo, thường hay cuộn lại. Phiến lá nguyên hình mác rộng, phần mép khía răng cưa tù, bao gồm 3 gân chính. Mặt trên màu xanh sẫm, mặt dưới xanh nhạt và cả 2 mặt đều có lông;
  • Cụm hoa tạo hình đầu nhỏ, bao gồm hoa ở giữa hình ống màu vàng và 5 hoa nhỏ hình lưỡi ở phía ngoài;
  • Lá bắc có lông dính.

2. Thu hái, bào chế cây hy thiêm

Vào thời gian khoảng tháng 4-5 hằng năm hoặc tùy theo kinh nghiệm ở từng địa phương, người dân sẽ thu hái cây hy thiêm lúc chưa có hoa, đem về phơi khô trong bóng râm hoặc ngoài nắng, sau đó bó thành từng bó nhỏ.

Cách bào chế dược liệu hy thiêm cũng đơn giản bằng cách phơi hoặc sấy đến khô ở nhiệt độ từ 50 đến 60 độ C. Mỗi khi cần sử dụng thì đem ra rửa sạch, sau đó ủ mềm rồi cắt thành đoạn nhỏ.

Về thành phần hóa học, các tài liệu gần đây chỉ ra loại cây này chủ yếu chứa các thành phần như darutoside, darutigenol, alkaloid.

cây hy thiêm chữa bệnh gì
Giải đáp cây hy thiêm chữa bệnh gì?

3. Tác dụng của cây hy thiêm

3.1. Tác dụng của cây hy thiêm theo Y Học Cổ Truyền

Nhiều tài liệu cổ phương đã nhắc đến tác dụng của cây hy thiêm, cụ thể như sau:

  • Theo sách Đồ kinh bản thảo ghi chép thấy cây hy thiêm “trị can thận phong khí, chân tay tê dại, đau nhức trong xương, đau lưng gối mỏi – kiêm chủ phong thấp sang, cơ nhục tê khó khỏi”;
  • Sách Bản thảo kinh sơ cho rằng cây hy thiêm có thể “khu phong trừ thấp kiêm hoạt huyết”.

Vì thế, từ xa xưa cây hy thiêm đã được ứng dụng vào nhiều bài thuốc nam chữa bệnh.

3.2. Nghiên cứu của dược lý hiện đại về Hy thiêm dược liệu

Theo nghiên cứu của các giảng viên Cao đẳng Dược tại trường Cao đẳng Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, cây hy thiêm có hàm lượng lớn chất darutin (một dẫn chất của axit salicylic) và các chất đắng daturosid, orientin... Các chất hóa học này đều có tác dụng rất tốt trong vấn đề kháng viêm, hạ huyết áp và giãn cơ.

Trong thực nghiệm, chiết xuất cồn thô của cây hy thiêm cho thấy khả năng chống lại sự tăng axit uric máu. Thành phần hóa học mang lại tác dụng này được cho là các hợp chất phenolic, đồng thời phát hiện này cho thấy tác dụng của cây hy thiêm trong điều trị bệnh gút. Một nghiên cứu khác chứng minh chiết xuất cồn của cây hy thiêm còn mang lại khả năng ngăn ngừa viêm, kể cả viêm cấp và viêm mạn tính.

Chiết xuất cồn của loại cây này còn thể hiện hoạt động chống tăng sinh mạnh mẽ. Điều này mang lại hy vọng về một chất bổ sung lý tưởng trong điều trị ung thư nội mạc tử cung.

Hàm lượng cao chất kirenol trong rễ cây hy thiêm có hiệu quả trên các vi khuẩn gram dương, các Staphylococcus cholermidis, Staphylococcus aureusAcinetobacter baumannii.

Từ những bằng chứng trên, cây hy thiêm đã được sử dụng để điều trị các bệnh xương khớp như bệnh gút, viêm khớp, thoái hóa cột sống thắt lưng, đau nhức vai gáy, thoái hóa khớp gối...

3.3. Một số tác dụng khác của cây hy thiêm

Bệnh cạnh hỗ trợ điều trị bệnh lý xương khớp, tác dụng của cây hy thiêm còn bao gồm:

  • Hỗ trợ chữa trị chứng mất tiếng do cảm gió;
  • Chữa mụn nhọt do nóng;
  • Chữa cảm, giảm đau đầu;
  • Hỗ trợ điều trị tăng huyết áp;
  • Hỗ trợ điều trị mất ngủ.
cây hy thiêm chữa bệnh gì
Cây hy thiêm chữa tê mỏi, đau nhức xương

4. Một số bài thuốc từ cây hy thiêm

Tùy cơ địa và tình trạng của từng người bệnh mà kết hợp cây hy thiêm với các vị thảo dược khác nhau với mục đích tăng hiệu quả chữa bệnh. Các bài thuốc chữa bệnh từ loại cây này bao gồm:

4.1. Bài thuốc chữa viêm khớp, tê tay chân, đau nhức gân cốt

Nguyên liệu cần chuẩn bị: 3 chỉ hy thiêm, bạch mao đằng 3 chỉ, 5 chỉ xú ngô đồng hoặc ngưu tất sau đó đem tất cả các dược liệu trên sắc chung với nhau và lấy nước thuốc uống hằng ngày.

4.2. Bài thuốc chữa tê mỏi, đau nhức xương

Chuẩn bị các nguyên liệu bao gồm bột hy thiêm 10 lượng, bột thiên niên kiện 3 lượng, bột xuyên khung 2 lượng.

Cách thực hiện:

  • Đem các loại bột dược liệu trên hòa trộn với nhau, sau đó vò thành viên;
  • Mỗi ngày dùng 2 lần, mỗi lần khoảng 4-5 viên và cần uống cách xa bữa ăn.

4.3. Bài thuốc trị viêm đa khớp dạng thấp

Chuẩn bị khoảng 4 lượng hy thiêm. Cách thực hiện:

  • Sắc lượng hy thiêm này để lấy nước cốt;
  • Sau đó cho thêm đường đen và cô đặc lại thành cao;
  • Chia thành 2 lần uống trong ngày, mỗi lần 1 chén nhỏ.

4.4. Bài thuốc chữa phong thấp

Chuẩn bị nguyên liệu: Hy thiêm thảo 250 lượng (khoảng 100g), Thiên niên kiện 12 lượng (50g), đường và rượu trắng 1 lít.

Cách thực hiện:

  • Đem các nguyên liệu nấu thành cao;
  • Mỗi ngày chia thành 2 lần uống trước ăn trưa hoặc tối.

4.5. Bài thuốc trị đau nhức xương khớp từ hy thiêm

Đem hy thiêm cô đặc thành cao và sử dụng bằng cách bôi ngoài da tại các vị trí đau nhức xương khớp.

5. Một số lưu ý khi sử dụng hy thiêm

Để cây hy thiêm phát huy tác dụng và cải thiện hiệu quả các triệu chứng, người bệnh cần lưu ý những vấn đề sau:

Trong quá trình sử dụng:

  • Trước khi ứng dụng các tác dụng của cây hy thiêm trong chữa bệnh, người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ;
  • Để dược liệu phát huy tác dụng, người bệnh cần kiên trì sử dụng;
  • Ngưng ngay việc sử dụng cây hy thiêm khi xuất hiện những dấu hiệu bất thường.

Cần kết hợp cây hy thiêm với các phương pháp khác để tăng hiệu quả chữa trị:

  • Kết hợp chế độ ăn uống hợp lý: Bổ sung các loại thực phẩm tốt cho xương khớp, như các loại rau màu xanh đậm, trái cây có múi, sữa, ngũ cốc... Hạn chế các món ăn cay nóng, đồ ăn chiên xào, chứa nhiều đường muối, các thức uống có cồn hay các chất kích thích;
  • Duy trì chế độ sinh hoạt khoa học, dành ra thời gian nghỉ ngơi và cần tránh khuẩn vác vật nặng quá sức;
  • Tập luyện thể dục thể thao đều đặn để nâng cao thể lực, tăng cường sức mạnh cho cơ xương khớp.

Tóm lại, cây hy thiêm là một loại dược liệu hữu ích được áp dụng nhằm điều trị, hỗ trợ nhiều bệnh lý. Đồng thời, bài thuốc này cũng giúp làm giảm tác dụng phụ của các loại thuốc tân dược.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

27K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan