Viêm loét dạ dày có thể chữa trị dứt điểm không?

Viêm loét dạ dày là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu người bệnh không có biện pháp điều trị kịp thời. Vậy bệnh loét dạ dày có tự khỏi được không, bệnh loét dạ dày điều trị bao lâu thì khỏi hẳn?

1. Bệnh viêm loét dạ dày là gì?

Viêm loét dạ dày là tình trạng niêm mạc của dạ dày bị tổn thương gây viêm, sưng, lâu ngày sẽ hình thành nên những vết loét trong niêm mạc dạ dày và biểu hiện các triệu chứng khó chịu cho bệnh nhân.

Viêm loét dạ dày được phân chia thành 2 thể là cấp tính và mạn tính:

  • Viêm dạ dày cấp tính: Biểu hiện của bệnh bao gồm sưng, viêm cấp tính ở lớp niêm mạc dạ dày, người bệnh có những cơn đau thượng vị dữ dội, đau từng cơn ngắn;
  • Viêm dạ dày mạn tính: Nguyên nhân do dư thừa axit dạ dày và hiện tượng nhiễm trùng, hệ quả tạo ra những tổn thương lan tỏa hoặc khu trú một khu vực niêm mạc dạ dày. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến viêm teo niêm mạc và cuối cùng cấu trúc dạ dày bị phá hủy.

2. Nguyên nhân dẫn đến viêm loét dạ dày

2.1. Vi khuẩn Helicobacter Pylori

Loét dạ dày điều trị bao lâu phụ thuộc chủ yếu vào nguyên nhân gây bệnh. Trong số đó, nguyên nhân hàng đầu của loét dạ dày là nhiễm vi khuẩn H.P, một loại vi khuẩn sinh sống ở lớp niêm mạc dạ dày. Trong điều kiện bình thường, khuẩn H.P chung sống hòa bình với cơ thể, không gây ra bất cứ vấn đề nào. Tuy nhiên khi chúng phát triển quá mức, tăng khả năng hoạt động sẽ bài tiết các chất kích thích phản ứng viêm lớp niêm mạc và gây ra loét dạ dày.

2.2. Chế độ ăn uống

Một số thói quen sai lầm trong chế độ ăn uống tạo điều kiện thuận lợi cho loét dạ dày như:

  • Ăn không đúng giờ, thường xuyên bỏ bữa ăn;
  • Thói quen hay ăn đêm, ăn nhanh và nhai không kỹ;
  • Vừa ăn vừa làm việc;
  • Tiêu thụ nhiều thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn đóng gói;
  • Ăn các món ăn quá cay, nóng hoặc quá chua;
  • Chế độ dinh dưỡng thiếu chất đạm và vitamin...

2.3. Sử dụng thuốc kháng viêm, giảm đau sai cách

Viêm loét dạ dày là bệnh lý hay gặp ở những bệnh nhân lớn tuổi, thường xuyên sử dụng thuốc kháng viêm hoặc corticoid để điều trị các bệnh lý về thoái hóa, đau nhức xương khớp

2.4. Stress, căng thẳng kéo dài

Những trường hợp căng thẳng, stress hay lo lắng quá mức kéo dài rất dễ mắc chứng viêm loét dạ dày so với người bình thường. Căng thẳng, stress ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của cơ thể, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống tiêu hóa và đồng thời tăng nguy cơ bị vi khuẩn H.P tấn công niêm mạc dạ dày.

loét dạ dày có tự khỏi được không
Giải đáp loét dạ dày có tự khỏi được không?

2.5. Sử dụng bia rượu hay chất kích thích

Thói quen thường xuyên sử dụng rượu bia với số lượng lớn gây kích ứng niêm mạc dạ dày. Tình trạng này kéo theo phản ứng viêm và tăng nguy cơ phát triển các vết loét niêm mạc. Bên cạnh đó, những người đã mắc bệnh loét dạ dày mà vẫn sử dụng bia rượu hay chất kích thích thì khả năng chữa khỏi bệnh sẽ rất khó khăn.

2.6. Yếu tố di truyền

Viêm loét dạ dày có thể mang tính di truyền. Do đó, trong gia đình có người bị viêm loét dạ dày thì nguy cơ rất cao những người thân của họ cũng sẽ mắc chứng bệnh này.

3. Triệu chứng của viêm loét dạ dày

3.1. Đau bụng vùng thượng vị

Cảm giác đau rát vùng thượng vị có thể được xem là dấu hiệu tương đối đặc hiệu của bệnh viêm loét dạ dày. Đồng thời đây được coi là dấu hiệu sớm nhất mà người bệnh có thể dễ dàng nhận biết. Tùy theo cơ địa mỗi người mà mức độ đau thượng vị sẽ khác nhau và các cơn đau có thể xuất hiện bất cứ lúc nào kể cả khi người bệnh đang ngủ.

3.2. Buồn nôn, nôn ói

Các vết loét trên niêm mạc dạ dày vừa gây đau đớn vừa kích thích dạ dày co bóp mạnh hơn, từ đó người bệnh luôn có cảm giác buồn nôn và thậm chí nôn ói dữ dội do chức năng dạ dày suy yếu.

3.3. Chán ăn, giảm cảm giác ngon miệng

Viêm loét dạ dày là bệnh lý khiến người mắc bệnh luôn có cảm giác mệt mỏi, vị đắng trong miệng, thậm chí giảm vị giác và khiến họ không muốn, không thèm ăn. Những dấu hiệu này tuy không đặc hiệu cho loét dạ dày nhưng hầu như bệnh nhân nào cũng mắc phải.

3.4. Rối loạn tiêu hóa

Viêm loét dạ dày có thể khiến người bệnh bị táo bón hoặc tiêu chảy. Dấu hiệu này gợi ý chức năng tiêu hóa của họ bị rối loạn.

3.5. Mất ngủ, sụt cân đột ngột

Những bệnh lý liên quan đến hệ thống tiêu hóa có thể khiến người bệnh sụt cân nhanh chóng. Lý giải cho tình trạng này cũng đơn giản vì khả năng hấp thụ dinh dưỡng của cơ thể bị sụt giảm. Một yếu tố khác khiến người bệnh sụt cân là tình trạng mệt mỏi, mất ngủ kéo dài.

4. Chẩn đoán bệnh viêm loét dạ dày

4.1. Nội soi chẩn đoán

Nội soi là phương pháp cận lâm sàng được sử dụng nhiều nhất vì khả năng chẩn đoán chính xác nhất. Hình ảnh từ quá trình nội soi dạ dày giúp bác sĩ quan sát rõ tình trạng niêm mạc và vị trí các vết loét. Loét dạ dày có tự khỏi được không hay cần áp dụng các biện pháp điều trị tích cực sẽ được bác sĩ tiên lượng thông qua kết quả nội soi. Những ổ loét niêm mạc đơn giản thường đáp ứng tốt với điều trị nội khoa, nhưng những ổ loét phức tạp, lồi lõm, xơ chai cần phải được sinh thiết trong khi nội soi để chẩn đoán sớm bệnh lý ung thư dạ dày.

4.2. Xét nghiệm máu và phân

Kết quả xét nghiệm máu và xét nghiệm phân giúp bác sĩ đánh giá được tình trạng viêm loét dạ dày, phát hiện các biến chứng nếu có (như xuất huyết tiêu hóa), đo nồng độ các enzym tiêu hóa trong dạ dày và phát hiện có tồn tại hồng cầu trong phân hay không.

loét dạ dày có tự khỏi được không
Những loại thuốc điều trị viêm loét dạ dày bao gồm kháng sinh, ức chế proton...

5. Viêm loét dạ dày điều trị bao lâu?

Loét dạ dày có phải mổ không là câu hỏi đặt ra của rất nhiều người bệnh. Tùy thuộc vào mức độ loét, các triệu chứng và biến chứng kèm theo mà bác sĩ sẽ có biện pháp điều trị phù hợp.

5.1. Điều trị nội khoa

Loét dạ dày điều trị bao lâu, nhanh hay chậm khỏi sẽ phụ thuộc vào việc người bệnh có tuân thủ việc thay đổi chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt. Bên cạnh đó, biện pháp điều trị nội khoa bằng các loại thuốc sẽ hỗ trợ quá trình khỏi bệnh nhanh hơn.

  • Thuốc Tây y: Những loại thuốc điều trị viêm loét dạ dày bao gồm kháng sinh, ức chế proton, kháng thụ thể H2 và các thuốc giảm triệu chứng như trung hòa axit và tạo màng bảo vệ niêm mạc;
  • Thuốc Đông y: Các sản phẩm trị loét dạ dày thường có nguồn gốc từ thảo dược tự nhiên nên khá lành tính. Ưu điểm là ít tác dụng phụ, có thể sử dụng lâu dài và khả năng làm lành vết loét cao hơn. Tuy nhiên, nhược điểm của thuốc Đông y là tác dụng chậm và không thể tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn H.P.

5.2. Điều trị phẫu thuật

Loét dạ dày có phải mổ không? Câu trả lời là có nhưng chỉ định phẫu thuật chỉ áp dụng cho các trường hợp điều trị bằng thuốc không hiệu quả, kết hợp thêm các biến chứng: xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày...

Tóm lại, bệnh lý viêm loét dạ dày hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được điều trị đúng cách. Do đó, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Các triệu chứng viêm loét dạ dày mạn tính thường hết sau vài giờ dùng thuốc. Tuy nhiên, việc giảm triệu chứng chỉ mang tính tạm thời. Người bệnh cần phải kiên trì thực hiện phác đồ điều trị viêm loét dạ dày mạn tính theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Để khám và điều trị với các bác sĩ hàng đầu của khoa Tiêu hóa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách vui lòng nhấn vào nút “Liên hệ” trên website, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

31.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan