Ngộ độc cồn Methanol công nghiệp

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Lê Đức Hoàng - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ đã có nhiều kinh nghiệm trong điều trị Hồi sức – Cấp cứu người lớn.

Sử dụng cồn Methanol công nghiệp có thể gây độc với các cơ quan nội tạng, đặc biệt là hệ thần kinh và thị giác. Vì vậy, cần phát hiện và điều trị sớm khi bệnh nhân có dấu hiệu ngộ độc cồn Methanol công nghiệp.

1. Ngộ độc cồn Methanol công nghiệp là gì?

Rượu hay cồn (alcohol) có nhiều loại gồm: Ethanol, Methanol, Ethylene glycol, isopropanol,... Trong đó, ethanol (rượu) có thể sử dụng trong các loại đồ uống có cồn. Các chất còn lại đều gây độc.

Methanol được lên men từ các vật liệu có chứa cenlulose (gỗ) hoặc tổng hợp bằng hydro và carbon dioxide. Methanol còn được gọi là methyl alcohol, có công thức hóa học là CH3OH, là một chất lỏng trong suốt, không màu ở nhiệt độ phòng. Methanol hiện đang được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp, dùng làm dung môi hòa tan các chất hữu cơ, vô cơ hoặc chiết xuất các loại dầu,... Trên thị trường, Methanol có trong các dung dịch tẩy rửa, chất chống đông lạnh,... và được sử dụng như một nguồn năng lượng thay thế trong động cơ. Chất này hoàn toàn không được sử dụng làm rượu thực phẩm như Ethanol.

Bản thân của Methanol ít độc nhưng những chất chuyển hóa của nó lại có độc tính cao. Methanol hấp thu dễ dàng qua da, phổi và ruột, chuyển hóa chậm qua gan. Chúng có thể gây nhiễm toan chuyển hóa, mù mắt hay thậm chí là tử vong. Methanol ảnh hưởng chủ yếu lên hệ thần kinh trung ương với các triệu chứng như say rượu, ngủ gà gật, co giật, hôn mê,... Diễn tiến lâm sàng của ngộ độc cồn Methanol công nghiệp xảy ra nhiều giờ sau khi uống.

Liều tử vong của Methanol tinh chất ước tính ở khoảng 1 - 2ml/kg. Tuy nhiên, đã có trường hợp bị mù vĩnh viễn và tử vong với liều chỉ 0,1ml/kg.

Methanol
Methanol có công thức hóa học là CH3OH

2. Nguyên nhân ngộ độc cồn Methanol công nghiệp

  • Uống rượu pha từ các dung dịch có chứa Methanol
  • Uống rượu có nồng độ Methanol cao do dùng nguyên liệu có lẫn bã gỗ, không loại bỏ phần chưng cất ban đầu (có lẫn tạp chất Methanol), pha rượu từ cồn không đạt tiêu chuẩn, sử dụng cồn thực phẩm chất lượng kém.

3. Triệu chứng ngộ độc cồn Methanol công nghiệp

Các triệu chứng nhiễm độc cồn Methanol công nghiệp thường xuất hiện trong vòng 30 phút sau khi uống nhưng cũng có thể xuất hiện muộn hơn. Triệu chứng bệnh thường phụ thuộc vào giai đoạn: Giai đoạn kín đáo (vài giờ - 30 giờ đầu) và giai đoạn ngộ độc rõ tiếp theo. Những triệu chứng thường gặp ở người bị ngộ độc cồn Methanol gồm:

  • Thần kinh: Bệnh nhân thường tỉnh táo nhưng rất đau đầu, chóng mặt, sau đó có thể bị quên, bồn chồn, lẫn lộn, ngủ lịm, hôn mê, co giật,... Khi bị ngộ độc nặng, người bệnh có thể bị xuất huyết hoặc nhồi máu nhân bèo, tụt não,...;
  • Thị giác: Ban đầu nhìn bình thường, sau 12 - 24 giờ có triệu chứng nhìn mờ, nhìn đôi, sợ ánh sáng, đau mắt, suy yếu hoặc mất thị lực, ảo thị. Khi bị ngộ độc nặng, đồng tử của bệnh nhân có thể phản ứng kém với ánh sáng;
  • Tim mạch: Tụt huyết áp, giãn mạch, suy tim;
  • Hô hấp: Thở yếu, ngừng thở; thở nhanh và sâu nếu có nhiễm toan chuyển hóa;
Chóng mặt
Dấu hiệu ngộ độc cồn Methanol công nghiệp
  • Di chứng thần kinh: Rối loạn ý thức, hôn mê, thiếu hụt nhận thức, teo đĩa thị giác, bệnh lý đa dây thần kinh, hội chứng Parkinson, viêm tủy cắt ngang,...;
  • Tiêu hóa: Viêm dạ dày xuất huyết, viêm tụy cấp với triệu chứng đau thượng vị, tiêu chảy, nôn ói. Bệnh nhân bị ngộ độc trung bình hoặc nặng có thể bị thay đổi chức năng gan;
  • Thận: Suy thận cấp với biểu hiện tiểu ít, vô niệu, nước tiểu màu đỏ hoặc sẫm màu nếu bị tiêu cơ vân;
  • Triệu chứng khác: Đau lưng, đau người, cứng gáy, cứng cơ, da lạnh, vã mồ hôi,...

4. Các xét nghiệm chẩn đoán ngộ độc cồn Methanol

  • Xét nghiệm chẩn đoán, theo dõi ngộ độc:
    • Định lượng nồng độ Methanol máu: Thực hiện tối thiểu 2 lần/ngày, xét nghiệm ở thời điểm nhập viện, trước và sau lọc máu, khi kết thúc việc điều trị;
    • Áp lực thẩm thấu máu: Kết hợp với xét nghiệm glucose, ure và điện giải máu, thực hiện 4 giờ/lần;
  • Xét nghiệm cơ bản: Khí máu, công thức máu, glucose, ure, creatinin, điện giải, ALT, AST, điện tim, tổng phân tích nước tiểu,...;
  • Xét nghiệm khác: Tìm tổn thương ở các cơ quan khác hoặc các biến chứng: Chụp X-quang phổi, chụp cắt lớp vi tính sọ não, chụp cộng hưởng từ sọ não, soi đáy mắt, siêu âm bụng,...

Lưu ý: Cần chẩn đoán phân biệt ngộ độc cồn Methanol công nghiệp với ngộ độc Ethanol, hôn mê do tiểu đường, hôn mê do ngộ độc thuốc an thần, bong võng mạc,...

Xét nghiệm sốt xuất huyết có cần nhịn ăn không
Xét nghiệm máu chẩn đoán ngộ độc cồn Methanol

5. Điều trị ngộ độc cồn Methanol công nghiệp

5.1 Nguyên tắc điều trị

  • Đảm bảo ổn định các tình trạng cấp cứu của bệnh nhân: Đường thở, hô hấp và tuần hoàn;
  • Ngăn chặn sự chuyển hóa Methanol thành các chất gây độc;
  • Sử dụng thuốc chống giải độc đặc hiệu, nếu có bằng chứng rõ ràng nên chỉ định lọc máu sớm;
  • Tăng đào thải Methanol và các sản phẩm chuyển hóa của Methanol;
  • Điều trị triệu chứng, các biến chứng và điều trị hỗ trợ.

5.2 Thực hiện điều trị cụ thể

Các biện pháp điều trị cơ bản

  • Bệnh nhân bị hôn mê sâu, tụt lưỡi, co giật, ứ đọng đờm, suy hô hấp, thở yếu hoặc ngưng thở: Đặt bệnh nhân ở tư thế nằm nghiêng, đặt canul miệng, hút đờm dãi, thở oxy, đặt nội khí quản, cho thở máy với chế độ tăng thông khí tùy theo mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng;
  • Bệnh nhân bị tụt huyết áp: Truyền dịch và thuốc vận mạch nếu cần thiết;
tự ý truyền dịch
Truyền dịch điều trị ngộ độc cồn Methanol công nghiệp
  • Bệnh nhân bị nôn nhiều: Tiêm thuốc chống nôn, cho uống thuốc bọc niêm mạc dạ dày, tiêm thuốc giảm tiết dịch vụ và truyền tĩnh mạch bù nước điện giải;
  • Chăm sóc dinh dưỡng: Tiêm bắp vitamin B1 với liều phù hợp cho người lớn hoặc trẻ em. Tiếp theo, truyền glucose 10 - 20% nếu bị hạ đường huyết (truyền glucose ưu trương để bổ sung năng lượng cho bệnh nhân);
  • Bệnh nhân bị tiêu cơ vân: Truyền dịch, cân bằng điện giải, đảm bảo nước tiểu của người bệnh 150 - 200ml/giờ;
  • Bệnh nhân bị hạ thân nhiệt: Xử trí bằng cách áp dụng các biện pháp ủ ấm;
  • Phát hiện, xử trí chấn thương và các biến chứng khác nếu có.

Điều trị tẩy độc và tăng đào thải chất độc

  • Đặt ống thông dạ dày và hút dịch nếu bệnh nhân nhập viện trong vòng 1 giờ và bị nôn ít. Với bệnh nhân nhập viện muộn hơn nhưng tiêu thụ nhiều cồn Methanol vẫn có thể cân nhắc hút dịch dạ dày;
  • Tăng thải trừ chất độc: Đảm bảo lưu lượng nước tiểu, lọc máu cơ thể theo đúng chỉ định (lọc máu thẩm tách, lọc máu liên tục hoặc lọc màng bụng tùy từng trường hợp cụ thể);
  • Sử dụng thuốc giải độc đặc hiệu: Ethanol và Fomepizole (4-Methylpyrazole) có tác dụng ngăn cản Methanol chuyển hóa thành các chất độc, đào thải Methanol tự do ra ngoài cơ thể qua thận hoặc đường lọc máu. Nếu ngừng các thuốc này hoặc sử dụng không đủ, không được lọc máu thì Methanol sẽ tiếp tục được chuyển hóa thành và gây độc cho cơ thể. Ethanol hiệu quả, chi phí điều trị thấp nhưng có một số tác dụng phụ trên hệ thần kinh trung ương, gây rối loạn nước điện giải, hạ đường huyết. Còn Fomepizole hiệu quả, dễ sử dụng, dễ theo dõi nhưng có chi phí điều trị cao;
  • Sử dụng thuốc hỗ trợ: Dùng Axit folic hoặc Leucovorin (thúc đẩy quá trình giải độc của cơ thể) và Natri bicarbonate (khi bị nhiễm toan chuyển hóa) với liều lượng phù hợp.
Tiêm  thuốc
Điều trị ngộ độc cồn Methanol công nghiệp cần tuân thủ phác đồ của bác sĩ

Nếu bệnh nhân ngộ độc cồn Methanol công nghiệp bị ngộ độc nhẹ, phát hiện sớm và điều trị đúng cách thì sẽ mau chóng ổn định lại sức khỏe. Trong trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc rượu, cồn Methanol công nghiệp nặng, nhập viện muộn và đã có các biến chứng, việc điều trị thiếu tích cực thì bệnh sẽ khó điều trị, dễ để lại di chứng sau này, thậm chí tử vong.

Do vậy, cần phát hiện, đưa bệnh nhân nhập viện sớm ngay khi có triệu chứng ngộ độc cồn Methanol công nghiệp. Đặc biệt, nên hạn chế uống rượu bia, chỉ uống các loại rượu thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng để phòng ngừa nguy cơ ngộ độc cồn Methanol.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Video đề xuất:

Khám sức khỏe định kỳ tại Vinmec: Bảo vệ bạn trước khi quá muộn!

XEM THÊM

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

41.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan