Thận trọng với các thuốc điều trị đái tháo đường

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi bác sĩ khoa bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Đái tháo đường là bệnh lý mãn tính, diễn tiến theo thời gian, cần dùng thuốc suốt đời. Do đó, việc hiểu rõ về các loại thuốc điều trị đái tháo đường đang sử dụng và các tác dụng phụ thuốc điều trị đái tháo đường có thể gặp phải là rất cần thiết đối với mỗi bệnh nhân và gia đình có người thân mắc bệnh.

1. Các nhóm thuốc điều trị đái tháo đường

  • Nhóm làm tăng nhạy cảm của tế bào với hormon insulin: nhóm biguanid (metformin), nhóm thiazolidinedione (rosiglitazone, pioglitazone), nhóm ức chế men DPP-4 (sitagliptin), nhóm thuốc đồng vận thụ thể GLP-1 (exenatide).
  • Nhóm thuốc kích thích sản xuất insulin tại tuyến tụy: nhóm sulfonylurea (glipizide, gliclazide, glimepiride), nhóm glinide (nateglinide, repaglinide).
  • Nhóm thuốc làm chậm hấp thu glucose/chất béo tại ruột: nhóm thuốc ức chế men tiêu hóa bột-đường alpha glucosidase (acarbose), nhóm thuốc ức chế men tiêu mỡ lipase (orlistat).
  • Insulin: phân loại theo thời gian tác động (tác dụng nhanh, tác dụng ngắn, tác dụng trung bình, tác dụng chậm, insulin trộn sẵn...).
Những người tiểu đường không nên uống bia, rượu
Mỗi nhóm thuốc điều trị đái tháo đường đều có những tác dụng phụ

2. Thận trọng với các thuốc điều trị đái tháo đường

2.1 Thận trọng với tác dụng phụ hạ đường huyết

Các thuốc uống trị tiểu đường đều có cùng mục tiêu điều trị là làm giảm đường máu. Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc không thích hợp, với liều quá cao hoặc sử dụng thuốc mà bỏ bữa ăn có thể gây ra trạng thái hạ đường huyết.

Hạ đường huyết là đường máu xuống thấp hơn mức bình thường, nếu hạ đường huyết nặng có thể dẫn tới hiện tượng mất ý thức và hôn mê.

Nhóm thuốc điều trị có nguy cơ hạ đường huyết cao là: nhóm sulfonylurea, nhóm glinide và thuốc tiêm insulin.

2.2 Tác dụng phụ gây tăng cân

Tác dụng phụ của một số loại thuốc tiểu đường là có thể gây tăng cân tuy không nhiều (1-2kg). Nhóm thuốc cần lưu ý đến tác dụng phụ này là: nhóm sulfonylurea, nhóm glinide, nhóm thiazolidinedione (tăng cân khoảng 2-4kg/24 tháng do làm tăng tích trữ mỡ dưới da và một phần giữ nước).

Thuốc tránh thai có thể khiến cơ thể tăng cân tích nước
Tăng cân có thể là tác dụng phụ thường gặp ở thuốc điều trị bệnh tiểu đường

2.3 Thuốc điều trị tiểu đường gây rối loạn tiêu hóa

Một số thuốc có thể gây rối loạn tiêu hóa như đầy bụng hoặc tiêu chảy (metformin), nhất là sử dụng trong giai đoạn đầu, tác dụng phụ sẽ giảm hoặc tránh được hoàn toàn khi sử dụng liều thấp rồi tăng dần và uống thuốc sau khi ăn.

Bên cạnh đó, trường hợp bệnh nhân uống acarbose làm chậm quá trình tiêu hóa chất bột đường trong lòng ruột, người sử dụng thuốc tiểu đường lâu năm sẽ có cảm giác đầy chướng bụng. Tác dụng phụ có thể đỡ hoặc không còn khi giảm liều thuốc hoặc là ngừng sử dụng thuốc.

2.3 Nhóm thuốc thận trọng cho bệnh nhân suy tim

Nhóm Thiazolidinedione (pioglitazone, rosiglitazone) cần thận trọng khi điều trị cho các bệnh nhân bị suy tim hoặc có bệnh tim vì thuốc gây giữ nước. Ngoài ra, nhóm thuốc này cũng cần thận trọng cho bệnh nhân viêm gan hoặc có men gan tăng cao.

Suy tim ứ huyết
Bệnh nhân suy tim nên thận trọng với nhóm Thiazolidinedione (pioglitazone, rosiglitazone)

2.4 Thuốc điều trị đái tháo đường có gây suy thận?

  • Thuốc điều trị đái tháo đường gây suy thận là quan niệm sai lầm. Hiện nay bệnh thận do đái tháo đường rất phổ biến, nhất là ở bệnh nhân điều trị không tốt, vì vậy nhiều người cho rằng bệnh thận đái tháo đường là do quá trình uống thuốc lâu dài gây ra.
  • Việc kiểm soát tốt mức độ glucose trong máu bằng thuốc sẽ góp phần làm giảm khả năng bị bệnh thận do biến chứng đái tháo đường. Điều này được giải thích là do việc 1% HbA1c sẽ giúp làm giảm biến chứng mạch máu nhỏ như bến chứng bệnh võng mạc, bệnh thần kinh, bệnh thận do đái tháo đường...
  • Khi bệnh nhân bị suy thận, nhiều loại thuốc tiểu đường không được tiếp tục sử dụng vì thuốc không thể thải ra khỏi cơ thể, gây tích lũy thuốc là tăng nguy cơ bị hạ đường huyết hơn. Tuy nhiên nếu ngưng thuốc sẽ có tác dụng xấu đến thận. Khi đó, tiêm insulin là biện pháp an toàn hơn cả và ít có tác dụng phụ hơn.

2.5 Thuốc điều trị tiểu đường gây dị ứng

Nhóm ức chế enzym DPP-4 có thể gây ra ban mẩn ngứa trên da, kèm theo sưng nề mắt và mặt. Tác dụng phụ này có thể biến mất ngừng thuốc và có thể tái phát khi uống trở lại. Triệu chứng dị ứng thuốc: nổi mề đay, phù, viêm hầu họng, nhiễm trùng hô hấp trên, đau khớp... Cần hỏi ý kiến bác sĩ để cân nhắc việc sử dụng thuốc

Mề đay
Nhóm ức chế enzym DPP-4 có thể gây nổi mề đay

3. Một số loại thuốc cần thận trọng khi dùng cùng với thuốc điều trị đái tháo đường

3.1 Thuốc chống viêm corticoid

Corticoid có rất nhiều tác dụng phụ cho bệnh nhân đái tháo đường như: gây tăng đường huyết gián tiếp làm giảm tác dụng của các thuốc điều trị đái tháo đường, giảm dung nạp glucid, nguy cơ nhiễm ceton gây nôn ói, đau bụng, co giật, xuất hiện triệu chứng thần kinh...

Do vậy, bệnh nhân đái tháo đường cần hạn chế sử dụng nhóm thuốc corticoid hoặc phải dùng dưới sự theo dõi chặt chẽ của các bác sĩ và điều chỉnh liều dùng của các loại thuốc điều trị tiểu đường cho phù hợp.

3.2 Thuốc kháng viêm, giảm đau NSAIDs

Các loại thuốc như: ibuprofen, diclofenac, naproxen... làm giảm đau do ức chế tổng hợp prostaglandin - chất tham gia cơ chế điều hòa đường huyết, làm tăng nguy cơ hạ đường huyết. NSAIDs liên kết mạnh với các protein huyết tương sẽ đẩy các thuốc điều trị đái tháo đường như: gliclazide, glibenclamide, chlorpropamide ra khỏi liên kết với protein huyết tương gây hạ đường huyết.

NSAID
Thuốc kháng viêm, giảm đau NSAIDs cần thận trọng khi dùng cùng với thuốc điều trị đái tháo đường

3.3 Thuốc trị bệnh gout allopurinol và dẫn chất

Allopurinol là một thuốc trị gout cấp và mạn tính bằng cơ chế giảm việc sản xuất axit uric trong cơ thể. Allopurinol có thể ức chế Chlorpropamide tiết qua ống thận gây nguy cơ hạ đường huyết nghiêm trọng. Do vậy, bệnh nhân đái tháo đường không nên sử dụng thuốc này.

3.4 Thuốc điều trị lao rifampicin

Rifampicin làm giảm nồng độ của Tolbutamid (nhóm Sulfonylurea) trong huyết tương do thuốc có cảm ứng enzym cytochrom P450. Đây là kiểu tương tác dược động về chuyển hóa thuốc.

3.5 Thuốc lợi tiểu

Thuốc lợi tiểu thiazid làm giảm nhạy cảm của mô với insulin, giảm tiết insulin, làm tăng glucose máu.

Đo chỉ số Glucose trong máu để xác định xem mình có mắc bệnh tiểu đường không
Thuốc lợi tiểu thiazid làm tăng glucose máu.

3.6 Thuốc kháng nấm

Khi bệnh nhân đái tháo đường điều trị nấm da, nấm tóc, nấm âm đạo... cần lưu ý các thuốc kháng nấm họ imidazole như: miconazol, ketoconazol, itraconazol... do các thuốc này ức chế cytochrom P450 làm tăng tác dụng hạ đường huyết, dễ gây ra biến chứng.

3.7 Thuốc chẹn beta

Thuốc chẹn beta có thể che lấp các triệu chứng hạ đường huyết, điều này có thể dẫn đến hôn mê do hạ glucose máu, triệu chứng có thể bị che lấp là nhịp tim nhanh, toát mồ hôi, run, hồi hộp, lo âu.

3.8 Thuốc cường giao cảm beta

Thuốc điều trị cảm cúm có chứa hoạt chất ephedrin - chất cường giao cảm sẽ làm giảm tác dụng của thuốc điều trị đái tháo đường do gây tăng glucose máu.

Cảm cúm
Thuốc điều trị cảm cúm sẽ làm giảm tác dụng của thuốc điều trị đái tháo đường

3.9 Thuốc kháng tiết acid dạ dày cimetidine

Cimetidin làm giảm độ thanh lọc của Metformin ở thận do ức chế bài tiết qua thận, làm nồng độ Metformin trong huyết thanh tăng, làm tăng tác dụng dược lý của Metformin và có thể gây hạ đường huyết.

3.10 Hormon giáp

Levothyroxin điều trị suy giáp có thể làm cho thuốc điều trị đái tháo đường bị mất cân bằng do Levothyroxin làm tăng nhu cầu về insulin.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan