Vì sao viêm cầu thận gây tăng huyết áp và phù?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Thị Minh Hương - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức - Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Viêm cầu thận gây tăng huyết áp, ảnh hưởng đến khả năng làm sạch máu, lọc chất thải ra khỏi cơ thể và khiến bệnh nhân bị phù toàn thân. Do đó, rất nhiều người băn khoăn không biết vì sao viêm cầu thận gây tăng huyết áp và phù.

1. Triệu chứng của viêm cầu thận

Viêm cầu thận là tình trạng viêm các mạch máu nhỏ trong thận, được gọi là cầu thận. Bệnh có thể cấp tính (bắt đầu đột ngột) hoặc mãn tính (khởi phát là dần dần) và có nguy cơ gây tử vong. Khi bị tổn thương, thận không thể loại bỏ chất thải và chất lỏng dư thừa một cách hiệu quả. Máu và protein không được lọc sẽ bài tiết qua nước tiểu.

Các triệu chứng của viêm cầu thận có thể khác nhau ở mỗi bệnh nhân, nhưng phổ biến là:

  • Nước tiểu có màu nâu sẫm do máu và protein niệu;
  • Đau họng;
  • Lượng nước tiểu ít;
  • Thiếu năng lượng hoặc dễ mệt mỏi;
  • Khó thở;
  • Đau đầu;
  • Huyết áp cao;
  • Động kinh;
  • Phát ban, chủ yếu ở mông và chân;
  • Giảm cân;
  • Đau khớp;
  • Da tái nhợt;
  • Phù do chất lỏng tích tụ trong các mô.
vi-sao-viem-cau-than-gay-tang-huyet-ap-va-phu-1
Huyết áp cao là một trong những triệu chứng của bệnh viêm cầu thận

2. Tại sao viêm cầu thận lại tăng huyết áp?

2.1. Mối liên hệ giữa thận và huyết áp

Thận nhận khoảng 25% lưu lượng máu từ tim, vì vậy mọi thay đổi bất thường ở thận hay huyết áp đều ảnh hưởng qua lại lẫn nhau.

Tăng huyết áp có tác động trực tiếp làm tổn thương thận, thậm chí đến mức không phục hồi được. Biểu hiện nhẹ là xuất hiện protein dạng vi thể trong nước tiểu (albumin niệu), nặng hơn là xơ vữa động mạch thận. Khi xảy ra tăng huyết áp, màng lọc của thận bị hư hỏng khiến các phân tử có kích thước lớn (như protein) dễ dàng đi qua.

Ở người bị tăng huyết áp lâu năm, động mạch thận có thể bị tác động, lâu dần gây xơ hóa và tắc hẹp. Huyết áp càng cao, biến chứng ở thận càng nặng nề. Hậu quả cuối cùng của tăng huyết áp ảnh hưởng đến thận là suy thận mạn. Lúc này không có biện pháp điều trị nào khác ngoài cấy ghép thận.

Không chỉ tăng huyết áp làm xuất hiện các bệnh lý tại thận, mà ngược lại, chỉ cần một số biến động nhỏ ở chức năng thận cũng đủ tác động đến huyết áp. Chẳng hạn, hẹp động mạch thận là nguyên nhân hàng đầu gây ra tăng huyết áp do thận và thứ phát. Ngoài ra, trong quá trình điều trị những bệnh như viêm cầu thận cấp và mạn, hội chứng thận hư, suy thận...., thì kiểm soát huyết áp là việc làm không thể thiếu.

2.2. Viêm cầu thận gây tăng huyết áp

Theo nhiều báo cáo, biến chứng tăng huyết áp trong bệnh viêm cầu thận chiếm tỷ lệ cao, khoảng 50 - 54%. Như vậy, hơn một nửa bệnh nhân viêm cầu thận có triệu chứng tăng huyết áp, thường rất khó để điều trị và quản lý tốt.

Giải thích cho cơ chế tại sao viêm cầu thận lại tăng huyết áp, các bác sĩ cho rằng tăng huyết áp gây tắc nghẽn “động mạch đi” ở trong thận, dẫn đến việc thay đổi kích thước thận và sưng phồng các tiểu cầu thận. Sự chít hẹp này kích hoạt bộ máy gần tiểu cầu thận và khiến huyết áp tăng lên, thậm chí có trường hợp còn xuất hiện tăng huyết áp ác tính.

Người mắc bệnh thận tiểu đường có nồng độ glucose cao, khiến máu chảy vào thận với tốc độ cao hơn, tạo áp lực cho quá trình lọc và làm tăng huyết áp. Vì vậy bệnh nhân nên kiểm soát tốt đường huyết thông qua chế độ ăn uống cân bằng, bổ dưỡng và giữ huyết áp trong mức ổn định bằng cách sử dụng thuốc. Điều này có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng thận, trong đó có viêm cầu thận.

Tóm lại, huyết áp cao có thể làm hỏng thận và ngăn cản thận hoạt động theo đúng chức năng bình thường. Đồng thời, thận đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa huyết áp. Viêm cầu thận gây tăng huyết áp vì chức năng thận bị tổn thương.

3. Tại sao viêm cầu thận gây phù?

3.1. Đặc điểm

Phù là triệu chứng nổi bật nhất ở người mắc viêm cầu thận cấp, khởi phát rầm rộ và tiến triển toàn thân, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và thậm chí là đe dọa tính mạng.

Phù là dấu hiệu lâm sàng đầu tiên người bệnh tự cảm nhận được trước khi thăm khám. Ban đầu, cơ thể dường như mập hơn dù không ăn uống bồi bổ, biểu hiện qua việc mang giày dép chật, đeo nhẫn chật hoặc có vết hằn của thắt lưng lên da, bụng phình to, óc ách... Tình trạng tăng cân này lại khiến người bệnh mệt mỏi, lừ đừ, khó thở và nặng nề, sưng phù hai mí mắt khi thức dậy.

Phù sớm xuất hiện ở hai chi dưới khiến mu bàn chân dày lên, lan dần lên cổ chân, cẳng chân, gối và vùng bẹn. Da căng bóng, trắng sáng, không sờ thấy mắt cá hay xương cẳng chân, ấn vào thấy mềm xẹp và có dấu hiệu giống phù thũng. Ở người bệnh ít đi lại và thường nằm tại giường, phù tập trung ở lưng, mông, vai gáy và dễ loét tì đè. Phần mô của cơ quan sinh dục ngoài cũng sưng nề, ở nam giới hai bìu căng, nặng như chứa đầy nước, ở nữ giới môi lớn và âm hộ cũng tích nước, phồng to.

vi-sao-viem-cau-than-gay-tang-huyet-ap-va-phu-2
Viêm cầu thận cấp gây phù

3.2. Cơ chế

Vậy tại sao viêm cầu thận gây phù? Trong cơ thể, hai quả thận có nhiệm vụ lọc các độc tố, sản phẩm thải của các quá trình chuyển hóa và loại bỏ ra ngoài qua nước tiểu. Khi màng lọc bị tổn thương do viêm cầu thận, các phân tử có kích thước lớn cũng dễ dàng thoát ra ngoài, khiến nồng độ protein trong máu sụt giảm nghiêm trọng. Do đó, áp lực keo trong lòng mạch do đạm tạo ra không còn được duy trì. Áp lực thủy tĩnh có chức năng tống máu đi lại tăng cao vì hệ quả của tăng huyết áp.

Khi hiệu số giữa áp lực thủy tĩnh và áp lực keo chênh lệch quá lớn, dịch không thể giữ lại trong lòng mạch mà thoát ra ồ ạt vào mô kẽ. Hiện tượng này giải thích tại sao viêm cầu thận gây phù cả người, cũng như tràn dịch khoang màng phổi, tim và bụng.

3.3. Sự nguy hiểm

Viêm cầu thận cấp dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, phần lớn là hệ lụy của tình trạng phù. Chẳng hạn:

  • Dịch thoát nhiều vào mô kẽ khiến bệnh nhân bị phù to cả người, đi lại khó khăn;
  • Dịch tràn vào màng tim, màng phổi với thể tích quá lớn sẽ đè sụp buồng tim, xẹp phổi, chèn ép hệ tuần hoàn. Hậu quả là tụt huyết áp, suy hô hấp và tử vong;
  • Khi thể tích tuần hoàn không được đảm bảo, máu bơm đến các cơ quan bị thiếu hụt. Não không đủ máu nuôi sẽ gây rối loạn tri giác, lơ mơ, mê man và hôn mê;
  • Giảm tưới máu đến thận làm nặng thêm tình trạng suy thận, ứ đọng các chất độc trong máu và gây rối loạn chức năng của những cơ quan khác;
  • Khi người bệnh tiểu ra đạm, protein trong máu sụt giảm sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng. Đồng thời hệ miễn dịch bị yếu đi khiến bệnh nhân dễ mắc các bệnh lý nhiễm trùng khác tại đường hô hấp và tiêu hóa;
  • Hệ thống đông máu bị ảnh hưởng, làm tăng nguy cơ tạo huyết khối và tắc mạch.

Cuối cùng, viêm cầu thận có thể dẫn đến hội chứng thận hư, khiến người bệnh mất một lượng lớn protein qua nước tiểu. Điều này khiến cơ thể giữ nhiều chất lỏng và muối hơn, dẫn tới huyết áp cao, tăng cholesterol và sưng phù khắp toàn thân. Nếu không kiểm soát và điều trị bằng corticosteroid, hội chứng thận hư sẽ tiến triển đến bệnh thận ở giai đoạn cuối - khi chức năng thận dường như hỏng hoàn toàn.

Viêm cầu thận có thể gây tăng huyết áp và phù, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh. Do đó khi thấy các dấu hiệu bất thường của cơ thể người bệnh nên đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị bệnh kịp thời để hạn chế tối đa nguy cơ biến chứng bệnh có thể xảy ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: medicalnewstoday.com, webmd.com, healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

15K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan