Lưu trữ máu cuống rốn để làm gì? Vì sao bố mẹ nên lưu trữ cho con?

Mục lục

Câu hỏi lưu trữ máu cuống rốn để làm gì hay lưu trữ cuống rốn để làm gì là thắc mắc của nhiều bậc phụ huynh. Các chuyên gia giải thích rằng, phương pháp này có thể giúp dự phòng và điều trị nhiều căn bệnh nguy hiểm cho trẻ trong tương lai thông qua công nghệ tế bào gốc. Cùng tìm hiểu thông tin chi tiết trong bài viết này nhé.  

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sỹ thuộc Trung tâm Công nghệ cao Vinmec.

1. Lưu trữ máu cuống rốn là gì?

Lưu trữ máu cuống rốn là một quy trình bao gồm các bước như thu thập, xử lý, kiểm tra chất lượng và bảo quản máu lấy từ cuống rốn của trẻ sơ sinh. Trước kia, dây rốn và bánh nhau thường bị vứt bỏ sau khi sinh do được xem là rác y tế. Tuy nhiên, với sự phát triển của y học hiện đại, máu trong cuống rốn và bánh nhau đã được giữ lại để tách tế bào gốc tạo máu, hỗ trợ điều trị bệnh cho em bé hoặc người thân có quan hệ huyết thống trong tương lai.

Máu cuống rốn thường được thu thập ngay sau khi trẻ chào đời bởi nhân viên y tế. Sau khi đón em bé ra ngoài, bác sĩ sẽ kẹp và cắt dây rốn, tiếp đó nhân viên y tế sẽ tiến hành lấy máu từ dây rốn. Quy trình này không gây đau đớn và không tác động xấu đến sức khỏe của cả mẹ lẫn con.

Trong đó, máu cuống rốn hay máu dây rốn là máu lưu thông trong tuần hoàn của thai nhi, đảm nhiệm chức năng cung cấp dinh dưỡng để nuôi dưỡng thai nhi khi còn trong bụng mẹ. Loại máu này chứa chủ yếu tế bào gốc tạo máu, có khả năng tái tạo hệ miễn dịch và cung cấp máu cần thiết cho cơ thể thai nhi. 

Máu cuống rốn giúp tái tạo hệ miễn dịch, cung cấp máu cần thiết cho thai nhi.
Máu cuống rốn giúp tái tạo hệ miễn dịch, cung cấp máu cần thiết cho thai nhi.

2. Lưu trữ máu cuống rốn để làm gì?

Lưu trữ máu cuống rốn để làm gì là vấn đề mà nhiều phụ huynh quan tâm. Theo các nghiên cứu, tế bào gốc từ máu cuống rốn và mô cuống rốn không chỉ được ứng dụng trong việc chữa các bệnh về hệ tạo máu mà còn hiệu quả trong điều trị nhiều bệnh lý ở các cơ quan khác trong tương lai.

Trên thế giới, phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu đã được chứng minh có khả năng chữa hơn 80 loại bệnh và các tế bào gốc trung mô cũng đã được kiểm nghiệm về tính an toàn và hiệu quả.

Để điều trị ghép tế bào gốc, các nguồn tế bào gốc tạo máu được thu thập từ ba nguồn chính bao gồm: Tủy xương, máu ngoại vi và máu cuống rốn. Khi thực hiện ghép đồng loài, máu cuống rốn thường được ưu tiên vì các tế bào gốc tạo máu ở dạng nguyên thủy trong máu cuống rốn dễ thích nghi với hệ kháng nguyên HLA hơn, từ đó giảm nguy cơ thải ghép.

Ngoài ra, máu cuống rốn chứa tế bào gốc không chỉ hữu ích cho em bé mà còn có thể được các thành viên khác trong gia đình sử dụng để điều trị bệnh. Việc ghép tế bào gốc từ người thân có tỷ lệ tương thích cao hơn so với nhận từ người không cùng huyết thống. Vì lý do này, chuyên gia y tế khuyên rằng, nếu kinh tế cho phép thì gia đình nên xem xét lựa chọn dịch vụ này nhằm bảo đảm sức khỏe lâu dài. 

Máu cuống rốn được sử dụng để điều trị bệnh cho cả bé và người thân có cùng huyết thống, đây là câu trả lời cho câu hỏi lưu trữ máu cuống rốn để làm gì.
Máu cuống rốn được sử dụng để điều trị bệnh cho cả bé và người thân có cùng huyết thống, đây là câu trả lời cho câu hỏi lưu trữ máu cuống rốn để làm gì.

3. Vì sao bố mẹ nên lưu trữ máu cuống rốn cho con?

Máu cuống rốn của trẻ được lưu trữ sẽ là biện pháp dự phòng hiệu quả, đảm bảo sức khỏe cho trẻ và những người thân trong gia đình.

  • Trong suốt cuộc đời, trẻ được dự phòng khả năng điều trị nhiều bệnh hiểm nghèo, đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ y tế cho người thân có quan hệ huyết thống (bao gồm ông, bà, cha mẹ, anh chị em…). Ngoài ra, mẫu dự phòng có thể được hiến tặng để giúp các bệnh nhân khác trong cộng đồng không có quan hệ huyết thống nếu đủ điều kiện.
  • Máu cuống rốn chứa tế bào gốc tạo máu có khả năng biệt hóa, thay thế hệ tạo máu của bệnh nhân bị các bệnh lý nguy hiểm liên quan đến máu, chẳng hạn như bệnh bạch cầu cấp/mãn tính dòng tủy, bệnh bạch cầu cấp dòng lympho, suy tủy, thiếu máu hồng cầu liềm, suy giảm miễn dịchhội chứng loạn sinh tủy,…

4. Ai có thể tham gia dịch vụ lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn cho con?

Tuy không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé nhưng quá trình thu thập và lưu trữ máu cuống rốn vẫn cần đảm bảo một số điều kiện để tế bào gốc được bảo quản với chất lượng tối ưu. Trong đó, thai phụ cần đáp ứng các điều kiện bao gồm:

  • Đủ 18 tuổi.
  • Được bác sĩ xác nhận là khỏe mạnh, không mắc các bệnh truyền nhiễm như HIV, viêm gan B, viêm gan C, giang mai, rubella CMV (Virus cytomegalo).
  • Không mắc ung thư và không có nguy cơ bị ung thư.
  • Có thai kỳ khỏe mạnh, không gặp các biến chứng hay vấn đề về sức khỏe trong suốt thời gian mang thai. 
Muốn lưu trữ máu cuống rốn, mẹ bầu phải đảm bảo sức khỏe tốt suốt thai kỳ.
Muốn lưu trữ máu cuống rốn, mẹ bầu phải đảm bảo sức khỏe tốt suốt thai kỳ.

Quy định về lưu trữ máu cuống rốn cho con tại các bệnh viện sẽ có sự khác biệt. Tuy nhiên, thời điểm tốt nhất để phụ huynh quyết định có lưu trữ máu cuống rốn cho con hay không là trước tuần thứ 34 của thai kỳ.  

Ngoài ra, không phải tất cả các cơ sở y tế đều sẵn sàng với các thiết bị, dụng cụ cần thiết để thu thập máu cuống rốn. Vì vậy, các bệnh viện cần thời gian để thực hiện các đánh giá và theo dõi. Do đó, nếu cha hoặc mẹ của trẻ đã từng điều trị ung thư và muốn lưu trữ máu cuống rốn thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ càng sớm càng tốt.

Việc lưu trữ tế bào gốc từ máu cuống rốn là một giải pháp giúp các bậc phụ huynh đảm bảo sức khỏe cho con em mình trong tương lai. Với khả năng ứng dụng hiệu quả trong điều trị nhiều bệnh lý nguy hiểm cho trẻ và người thân trong gia đình, kỹ thuật này mang lại giá trị lớn lao. Nếu vẫn còn băn khoăn về việc lưu trữ máu cuống rốn để làm gì, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để nhận được những thông tin và tư vấn chi tiết nhất. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ