Chế độ ăn uống đối với người tiểu đường mắc bệnh xương khớp rất quan trọng, đòi hỏi sự phân bổ hợp lý để đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho sức khỏe của người bệnh trong thời gian dài.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Mối liên hệ giữa tiểu đường và bệnh xương khớp
Thông thường, người mắc bệnh tiểu đường có thể gặp phải các biến chứng liên quan đến xương khớp như viêm khớp, thoái hóa khớp và đặc biệt là viêm khớp dạng thấp. Do đó, việc xây dựng một chế độ ăn uống thích hợp để hỗ trợ điều trị và quản lý tình trạng tiểu đường là rất quan trọng.

Tiểu đường và bệnh xương khớp có một số mối liên kết và ảnh hưởng đến nhau như sau:
1.1. Người tiểu đường mắc bệnh xương khớp:
Người mắc tiểu đường có nguy cơ cao mắc các vấn đề liên quan đến xương khớp như viêm khớp, thoái hóa khớp và đặc biệt là viêm khớp dạng thấp.
Các cơ chế chính gây ảnh hưởng đến xương khớp ở người tiểu đường bao gồm:
- Mức đường huyết cao: Làm tổn thương mô và cản trở quá trình hồi phục, ảnh hưởng đến sức khỏe của khớp.
- Viêm và stress oxy hóa: Góp phần gây thoái hóa khớp và tổn thương mô, thường gặp ở người tiểu đường.
Việc kiểm soát tốt đường huyết và duy trì lối sống lành mạnh có thể giúp giảm nguy cơ các vấn đề về xương khớp.
1.2. Cường độ đau:
Người mắc tiểu đường thường cảm thấy đau xương khớp nghiêm trọng hơn do tổn thương dây thần kinh - một biến chứng phổ biến của bệnh tiểu đường.
1.3. Tình trạng mất cân đối cơ thể:
Tiểu đường có thể gây ra tình trạng mất cân đối cơ thể, làm tăng áp lực lên các khớp, gây mài mòn khớp và các vấn đề về xương khớp.
1.4. Phản ứng viêm:
Một trong những cơ chế chính liên quan đến các vấn đề xương khớp ở người tiểu đường là sự viêm nhiễm. Tiểu đường làm tăng sản xuất các chất gây viêm, tăng cường phản ứng viêm, gây tổn thương cho mô xương khớp.
1.5. Thiếu canxi và vitamin D:
Người mắc tiểu đường thường có nguy cơ cao hơn trong việc thiếu canxi và vitamin D - hai chất quan trọng cho sức khỏe xương khớp. Thiếu canxi và vitamin D có thể dẫn đến các vấn đề xương khớp như loãng xương.
Tóm lại, tiểu đường có thể gây ra và tăng nguy cơ cho nhiều vấn đề xương khớp khác nhau thông qua các cơ chế trên. Do đó, việc quản lý tiểu đường hiệu quả cũng là một phần quan trọng trong việc duy trì sức khỏe xương khớp.
2. Chế độ ăn uống cho người tiểu đường
Đối với bệnh nhân tiểu đường, chế độ dinh dưỡng là một phần hết sức quan trọng, với những nguyên tắc cơ bản phải tuân theo.
2.1. Kiểm soát Carbohydrate:
Theo dõi lượng Carbohydrate trong khẩu phần ăn, chọn các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp như ngũ cốc nguyên hạt, rau củ quả và hạt. Phân chia đều đặn trong các bữa ăn, tránh tiêu thụ một lượng lớn Carbohydrate một lần.
2.2. Tăng cường chất xơ:
Chất xơ giúp kiểm soát đường huyết, giảm hấp thụ đường trong máu và hỗ trợ quá trình tiêu hóa, vậy nên cần cung cấp đủ chất xơ từ rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt, hạt và đậu.

2.3. Chú trọng đến Protein và chất béo chọn lọc
Bổ sung protein từ các nguồn như thịt gà không da, cá, hạt giống, đậu và sữa ít béo. Chọn chất béo "tốt" như axit béo không bão hòa có trong các loại dầu thực vật như dầu olive, hạt lúa mạch, hạt hướng dương và hạt hạnh nhân.
Tránh thực phẩm giàu chất béo bão hòa như thịt đỏ, thực phẩm chứa dầu béo trans và các sản phẩm từ sữa béo.
2.4. Kiểm soát lượng calo
Theo dõi lượng Calo tiêu thụ, chú ý đến lượng calo trong thức ăn, đặc biệt là những loại thức ăn chứa đường với chất béo. Ngoài ra, hạn chế tiêu thụ đường và thực phẩm chứa đường.
2.5. Theo dõi và kiểm soát đường huyết
Việc kiểm soát lượng đường huyết trong cơ thể là rất quan trọng với bệnh nhân tiểu đường, có thể thực hiện thông qua các hoạt động như uống đủ nước, tránh đồ uống có cồn hoặc có đường.
Ngoài ra, có thể chia nhỏ khẩu phần ăn thành nhiều bữa trong ngày, duy trì thời gian ăn cố định hàng ngày. Cuối cùng là điều chỉnh chế độ ăn uống tùy thuộc vào nhu cầu và phản ứng của cơ thể.
3. Thay đổi chế độ ăn uống cho người tiểu đường mắc bệnh xương khớp
Đối với trường hợp người tiểu đường mắc bệnh xương khớp, cần có một chế độ ăn uống vừa đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng, kiểm soát đường huyết và giảm nguy cơ biến chứng của cả hai bệnh.
3.1. Kiểm soát Carbohydrate
Về cơ bản không có gì khác biệt trong việc lựa chọn thực phẩm Carbohydrate có chỉ số đường huyết thấp, và luôn chia nhỏ khẩu phần ăn để duy trì đường huyết ở mức ổn định..
3.2. Tăng cường Protein và Chất béo Chọn lọc
Bổ sung protein từ nguồn thực phẩm giàu chất béo không bão hòa như cá hồi, đậu nành, thịt gà, trứng gà, và hạt giống. Chọn chất béo "tốt" như axit béo omega-3 từ cá, dầu olive, dầu hạt lúa mạch, hạt hướng dương và hạt bơ.

3.3. Cung cấp Canxi và Vitamin D:
Đảm bảo cung cấp đủ Canxi và Vitamin D cho sức khỏe của xương thông qua những nguồn canxi như sữa không đường, sữa hạt, sữa chua (không đường), cà chua, bí đỏ và các loại rau xanh. Với Vitamin D, có thể ăn cá hồi, trứng và nấm.
3.4. Giảm cân nặng (nếu cần)
Trường hợp bệnh nhân thừa cân hoặc béo phì, cố gắng giảm cân để giảm áp lực lên xương khớp, cải thiện đường huyết. Việc giảm cân cần được thực hiện dưới sự giám sát của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.
3.5. Uống nhiều nước
Uống đủ nước luôn có lợi cho sức khỏe, duy trì sự linh hoạt của các khớp nhằm giảm nguy cơ bị viêm. Ngoài ra, hạn chế đồ uống có cồn và caffeine, vì chúng có thể gây ra tình trạng mất canxi từ xương, ảnh hưởng đến kiểm soát đường huyết.
3.6. Theo dõi và điều chỉnh chế độ ăn uống
Luôn theo dõi lượng đường huyết trong cơ thể, dựa vào đó điều chỉnh chế độ ăn uống sao cho thích hợp. Mỗi người sẽ có những nhu cầu dinh dưỡng riêng biệt, nên cần phải trao đổi với bác sĩ để có kế hoạch ăn uống phù hợp và an toàn nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.