Thu nhận và lưu trữ tế bào gốc từ tủy răng sữa

Bài viết được viết bởi Chuyên viên y tế Nguyễn Tiến Lung - Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec.

Tế bào gốc là tế bào nguyên thủy có thể biệt hóa và tái tạo các cơ quan khác nhau của cơ thể như tim, xương, cơ và hệ thần kinh. Trong các nguồn thu nhận tế bào gốc. Tế bào gốc có thể được thu nhận từ nhiều nguồn khác nhau (tủy xương, mô mỡ, dây rốn,...), mỗi nguồn có những ưu nhược điểm riêng. Gần đây, tủy răng sữa là nguồn tế bào gốc nhận được nhiều sự quan tâm nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới.

1. Răng sữa – nguồn tế bào gốc quý giá của trẻ em

Răng sữa, còn gọi là răng trẻ em, răng tạm thời, răng nguyên thủy, là bộ răng đầu tiên trong quá trình phát triển ở người và động vật có vú. Răng sữa đóng vai trò quan trọng trong việc nhai, nói, thẩm mỹ của khuôn mặt và tạo chỗ cho răng vĩnh viễn mọc lên sau này. Việc răng sữa được bảo vệ tốt hay không cũng ảnh hưởng đến tình trạng của răng vĩnh viễn mọc lên sau này.

Vào lúc trẻ được 3-4 tuổi hầu hết sẽ có 20 chiếc răng sữa. Phần lớn trẻ bắt đầu có răng sữa lung lay ở độ tuổi 5 - 6 tuổi, cũng có một số trẻ có răng sữa lung lay bắt đầu ở độ tuổi sớm hơn lúc 4 tuổi hoặc muộn hơn lúc 7-8 tuổi. Răng sữa thường được thay thế bởi răng vĩnh viễn theo thứ tự cái nào mọc trước sẽ được thay trước.

Thứ tự răng
Răng sữa – nguồn tế bào gốc quý giá ở trẻ em

Khi răng sữa rụng, thông thường nó sẽ bị loại bỏ. Tuy nhiên, đây lại là nguồn tế bào gốc quý giá ở trẻ em. Người ta đã chứng minh tủy răng sữa có chứa các quần thể tế bào gốc mang các đặc điểm của tế bào gốc trung mô – chìa khóa của y học tái tạo hiện nay.

Đây cũng là những tế bào gốc còn non, có khả năng tăng sinh và hình thành các loại tế bào chuyên hóa tốt hơn so với nguồn từ người trưởng thành. Quá trình thu thập tế bào gốc từ tủy răng sữa đơn giản chỉ là tận dụng lại thành phần được coi là rác thải sinh học, không cần tác động gây đau đớn thêm đến đứa trẻ.

Vì vậy, các gia đình đã có thêm giải pháp lưu trữ tế bào gốc từ giai đoạn sớm cho con em mình, đặc biệt là những trẻ chưa lưu trữ dây rốn/máu cuống rốn khi mới sinh.

2. Đặc điểm tế bào gốc tủy răng sữa

  • Tế bào gốc từ tủy răng sữa mang các đặc điểm của tế bào gốc trung mô.
  • Tế bào gốc trung mô (Mesenchymal Stem/Stromal Cell – MSC) là các tế bào đệm đa tiềm năng, có thể biệt hóa thành nhiều loại tế bào khác nhau của mô liên kết bao gồm nguyên bào xương, nguyên bào sụn, tế bào cơ, tế bào mỡ,... Chúng có thể được thu nhận từ nhiều nguồn khác nhau như: tủy xương, mô mỡ, dây rốn trẻ sơ sinh, nhau thai, dịch ối,...

Theo Hiệp hội Quốc tế về Liệu pháp Tế bào (International Society for Cellular Therapy - ISCT) năm 2006, các tiêu chuẩn để xác định tế bào gốc trung mô bao gồm: (1) thể hiện đặc điểm kết dính trên bề mặt đĩa nuôi cấy nhựa và có hình thái nguyên bào sợi (tế bào dài và mỏng, thuôn nhọn hai đầu, có nhân tròn lớn,...); (2) có khả năng biệt hóa thành các tế bào thuộc mô liên kết như nguyên bào xương, nguyên bào sụn, tế bào mỡ; (3) biểu hiện một số kháng nguyên bề mặt tế bào như CD73, CD90, CD105 (ngoài ra biểu hiện một số kháng nguyên khác như CD29, CD44, CD140b, CD146,... tùy theo nguồn phân lập), không biểu hiện các kháng nguyên CD34, CD45, CD19, HLA-DR,...

Những nghiên cứu được công bố cho thấy tế bào gốc trung mô không chỉ hình thành nên mô liên kết, mà có thể biệt hóa thành nhiều loại tế bào khác như tế bào biểu mô, thần kinh, cơ, phổi, gan, thận...

Tiêu chuẩn xác định tế bào gốc trung mô (theo ISCT 2006)
Tiêu chuẩn xác định tế bào gốc trung mô (theo ISCT 2006)

Khi so sánh với tế bào gốc trung mô được phân lập từ tủy xương, mô mỡ, dây rốn, tế bào gốc tủy răng sữa mang nhiều đặc điểm ưu việt hơn, khiến nó ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà khoa học.

Tế bào gốc tủy răng sữa có khả năng biệt hóa thành tế bào thần kinh tốt hơn, do đó có tiềm năng cao hơn trong ứng dụng điều trị các bệnh lý thần kinh. Chúng có có tốc độ tăng sinh cao, khả năng duy trì đặc điểm khi nuôi cấy qua nhiều thế hệ, giữ được các đặc tính sau quá trình bảo quản lạnh lâu dài, do đó có thể được lưu trữ để sử dụng trong tương lai (tương tự như tế bào gốc dây rốn hay máu cuống rốn).

3. Tiềm năng ứng dụng của tế bào gốc tủy răng sữa

Trong khoảng 20 năm trở lại đây, số lượng các thử nghiệm lâm sàng sử dụng tế bào gốc trung mô nói chung và tế bào gốc tủy răng sữa nói riêng đã tăng vượt bậc. Theo thống kê của Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ, đến nay đã có gần 1000 thử nghiệm sử dụng trong lâm sàng, bao gồm các bệnh lý thần kinh, tim mạch, các bệnh tự miễn, viêm xương khớp, gan, rối loạn hô hấp, các bệnh nha chu,...

Nhìn chung, các thử nghiệm trên đã cho thấy tính an toàn cao khi sử dụng, đồng thời cải thiện được đáng kể tình trạng bệnh.

Tế bào gốc tách từ răng sữa có khả năng biệt hoá thành tế bào thần kinh cao hơn so với tách từ các nguồn khác, có khả năng hỗ trợ sự tái phát triển của vùng não bộ bị thương tổn cũng như giảm tối đa kích ứng miễn dịch trong cấy ghép.

Do vậy, nó cung cấp một công cụ tuyệt vời cho y học tái tạo, đặc biệt là về chữa trị các bệnh liên quan đến thần kinh trung ương. Thêm vào đó, với sự phát triển của kỹ thuật tái tạo mô, tế bào tế bào gốc trung mô từ tủy răng sữa còn được sử dụng trong việc tái tạo xương (như hộp sọ hay xương hàm cho bệnh nhân bị tai nạn giao thông hoặc tai nạn lao động).

Tiềm năng ứng dụng của tế bào gốc tủy răng sữa
Tiềm năng ứng dụng của tế bào gốc tủy răng sữa

4. Lưu trữ tế bào gốc tủy răng sữa

Với những tiềm năng y học to lớn đó, xu thế thu thập và lưu trữ tế bào gốc tủy răng sữa đã và đang tăng mạnh ở các nước phát triển, nhằm lưu trữ các dòng tế bào có khả năng ứng dụng y học cao trong điều trị các bệnh liên quan đến xương, thần kinh,...

Năm 2006, BioEden có trụ sở chính tại Mỹ là ngân hàng sinh học đầu tiên thu thập, xử lý và lưu trữ tế bào gốc từ răng sữa trẻ em. Hiện nay, BioEden đang vận hành ở gần 30 nước và có khách hàng trên 60 nước.

Các công ty lưu trữ tế bào gốc như Store-a-Tooth (Provia Laboratories, Mỹ) hay StemSave (StemSave Inc, Mỹ) cũng đang mở rộng dịch vụ trên thị trường quốc tế. Gần đây, Ngân hàng máu cuống rốn lớn nhất Ấn Độ đã giới thiệu dịch vụ thu thậplưu trữ tế bào gốc từ tủy răng với trụ sở đặt tại Mumbai và Delhi.

Quá trình thu thập tế bào gốc được thực hiện bắt đầu khi khi lấy răng sữa. Khi lấy răng, nha sĩ phải đảm bảo có chân răng, tủy được bảo vệ nguyên vẹn thì mới nuôi cấy tế bào gốc được. Răng sữa ngay sau khi rời khỏi lợi phải lập tức được chuyển vào bảo quản trong môi trường chuyên biệt, gửi ngay đến phòng thí nghiệm để đánh giá chất lượng tủy còn khả năng phân tách tế bào gốc hay không (sau vài ngày răng rụng sẽ không còn tế bào sống để lưu trữ).

Sau đó, tủy răng sẽ được thu thập và phân lập, nuôi cấy tế bào gốc, xác định khả năng sống, khả năng tăng sinh của tế bào. Nếu có thể nuôi cấy thì tế bào sẽ được đưa vào ngân hàng để bảo quản lạnh lâu dài và có thể sử dụng trong tương lai.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị tủy răng

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

19K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan