Xét nghiệm hs-CRP và bệnh tim mạch

Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Quỳnh Trang - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Xét nghiệm hs-CRP được sử dụng để đo protein phản ứng trong giai đoạn cấp tính. Dấu ấn sinh học này có liên quan đến việc nâng cao tỷ lệ các biến cố tim mạch cũng như tăng huyết áp, độ cứng động mạch và vỡ mảng xơ vữa.

1. Tổng quan

Mặc dù đã có sự cải thiện về chăm sóc sức khỏe nói chung ở các nước phát triển và đang phát triển nhưng hiện nay các bệnh tim mạch vẫn là nguyên nhân chính gây tử vong trên toàn thế giới.

Đến năm 2030, ước tính thế giới có hơn 23,3 triệu người chết vì các biến chứng tim mạch. Thống kê cho biết tỷ lệ bệnh mạch vành (Coronary heart disease CHD) sẽ tăng 160% ở các nước có thu nhập trung bình/ thấp ở Trung Đông và Bắc Phi.

Những căn bệnh tim mạch, trong đó thiếu máu cơ tim (Ischemic heart disease IHD) và đột quỵ được coi là nguyên gây ra gánh nặng kinh tế lớn, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Gánh nặng của CVDs (Cardiovascular disease: bệnh tim mạch) đã được dự đoán sẽ tăng từ 47% lên 60% vào năm 2030. Ở Châu Âu, chi tiêu hàng năm cho CVDs ước tính là 169 tỷ Euro.

Một số yếu tố nguy cơ bao gồm tiền sử gia đình, tăng huyết áp (Hypertension HTN), đái tháo đường type 2 ( type 2 diabetes mellitus DM), hút thuốc lá và rối loạn lipid máu đã được chứng minh là nguyên nhân chính về sinh lý bệnh của CVDs. Tuy nhiên hiện nay, những yếu tố này không thể giải thích được nguyên nhân của tất cả các biến cố tim mạch, một số yếu tố nguy cơ mới đã được đưa ra, trong đó dấu hiệu viêm cần quan tâm.

2. Xét nghiệm hs-CRP và bệnh tim mạch

Xét nghiệm hs-CRP
Xét nghiệm hs-CRP có nhiều lợi cho việc dự đoán nguy cơ bệnh tim mạch

Protein phản ứng C độ nhạy cao (High sensitivity C-reactive protein hs-CRP) không chỉ là một dấu ấn sinh học của tình trạng viêm mà còn là yếu tố tham gia trực tiếp vào quá trình xơ vữa động mạch.

Protein phản ứng C (hs-CRP) là một protein phản ứng trong giai đoạn cấp tính, được sản xuất chủ yếu ở gan, ngoài ra các tế bào cơ trơn của động mạch vành cũng tạo ra chất này. Các nghiên cứu cho thấy vai trò sinh bệnh học của hs-CRP trong các bệnh tim mạch phần lớn là do khởi phát và phát triển các tổn thương xơ vữa, gây ra tình trạng kháng Insulin ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 làm tăng khả năng vỡ mảng xơ vữa.

Xét nghiệm hs-CRP được sử dụng để đo protein phản ứng trong giai đoạn cấp tính. Dấu ấn sinh học này có liên quan đến việc nâng cao tỷ lệ các biến cố tim mạch cũng như tăng huyết áp, độ cứng động mạch và vỡ mảng xơ vữa.

Khi nghiên cứu về vai trò dự đoán của mức hs-CRP đối với các bệnh tim mạch trong các nhóm dân số khác nhau của Iran, Pooya Koosha và cộng sự (Published online 2020 Feb 6) thấy rằng, dấu ấn sinh học hs-CRP có liên quan đến tỷ lệ mắc bệnh tim mạch cao hơn. Hs-CRP giúp dự đoán bệnh tim mạch ở những bệnh nhân tăng huyết áp và tiểu đường. Ngoài ra, đối với những bệnh nhân có bất thường Lipid hoặc tiền sử hút thuốc lá thì việc kiểm tra hs-CRP cũng giúp ích rất nhiều cho việc dự đoán nguy cơ bệnh tim mạch.

Xét nghiệm hs-CRP cung cấp giá trị tiên lượng bổ sung ở tất cả các mức cholesterol, điểm nguy cơ mạch vành theo Framingham, mức độ nghiêm trọng của hội chứng chuyển hóahuyết áp. Mức hsCRP dưới 1,1 đến 3 và lớn hơn 3 mg/L có liên quan đến các nguy cơ tim mạch thấp hơn, trung bình và cao hơn tương ứng.

Theo CDC/AHA khuyến cáo thì các điểm ngưỡng hsCRP có giá trị tham chiếu như sau:

Nồng độ hs CRP (mg/L) Nguy cơ tương đối
< 1.0 Thấp
1.0 – 3.0 Trung bình
>3.0 Cao

Bệnh nhân có nồng độ hsCRP cao hơn sẽ có xu hướng tiến triển nhồi máu cơ tim và bệnh mạch ngoại biên nghiêm trọng.

3. Thực hiện Xét nghiệm hs-CRP khi nào?

Theo hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ (American Heart Association), xét nghiệm hs-CRP có thể được chỉ định ở nam giới từ 50 tuổi trở xuống và phụ nữ từ 60 tuổi trở xuống có nguy cơ trung bình.

Khi sử dụng hs-CRP để đánh giá nguy cơ bệnh tim mạch vành, phép đo phải được thực hiện trên bệnh nhân ổn định về trao đổi chất và so sánh với các giá trị trước đó.

Trung bình các kết quả hs-CRP đo lặp lại mỗi 2 tuần nên được sử dụng để đánh giá nguy cơ. Các phép đo phải được so sánh với các giá trị trước đó. Khi các kết quả được sử dụng để đánh giá nguy cơ, bệnh nhân có nồng độ hsCRP trên 10 mg/L (95.2 nmol/L) kéo dài không rõ nguyên nhân phải được đánh giá về căn nguyên gây bệnh không phải tim mạch. Không nên thực hiện thử nghiệm cho bất kỳ việc đánh giá nguy cơ nào khi có dấu hiệu của nhiễm trùng, viêm toàn thân hay chấn thương.

Ngoài ra, đã có nhiều nghiên cứu về mối liên hệ giữa hs-CRP và các yếu tố nguy cơ khác như bệnh đái tháo đường, hút thuốc, ung thư... Trong một nghiên cứu cắt ngang bao gồm 822 nam giới và 1.097 phụ nữ ở Nhật Bản, một mối liên quan đã được quan sát thấy giữa mức đường huyết lúc đói và hs-CRP. Nồng độ hs-CRP tăng dần khi mức đường huyết lúc đói cao hơn giữa 90 mg/dL (5,0 mmol/L) và 125 mg/dL (6,9 mmol/L) hoặc bệnh tiểu đường đã biết. Mối liên quan giữa việc tăng nồng độ hs-CRP và làm trầm trọng hơn tình trạng kháng insulin cũng được báo cáo trong một nghiên cứu ở Nam Á (Ấn Độ).

Đối với những người hút thuốc, một cuộc khảo sát cắt ngang được thực hiện trên 1.172 nam giới khỏe mạnh ở Hoa Kỳ cho thấy, mức CRP tăng lên theo từng bước đối với những bệnh nhân chưa bao giờ hút thuốc, những người từng hút thuốc và những người hiện đang hút thuốc, với giá trị trung bình hình học là 1,0 ± 2,5, 1,3 ± 2,5, và 2,0 ± 2,7 mg / L, (p <0,001).

Do vậy, để có thể góp phần làm giảm nồng độ hs-CRP, mỗi người nên thực hiện lối sống lành mạnh như: Tập thể dục đều đặn, giảm cân, kiểm soát huyết áp và bỏ thuốc lá.

Tập thể dục cải thiện hs-CRP
Tập thể dục có thể giúp kiểm soát nồng độ hs-CRP

Để có được kết quả chính xác, người bệnh cần đến bệnh viện để tiến hành xét nghiệm hs-CRP. Hiện nay, khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những địa chỉ uy tín cả nước, được đông đảo người bệnh tin tưởng thăm khám và điều trị bệnh. Nhờ sử dụng các máy móc, thiết bị hiện đại để kiểm tra, phân tích mẫu bệnh phẩm nên đã cung cấp các thông tin chính xác, giúp bác sĩ có thể đánh giá tổng quát tình trạng sức khỏe của người được xét nghiệm, sớm phát hiện bệnh và đề xuất phương án điều trị kịp thời. Đặc biệt, với không gian được thiết kế theo tiêu chuẩn khách sạn, Vinmec đảm bảo sẽ mang đến cho người bệnh sự thoải mái, thân thiện, yên tâm nhất khi thăm khám và điều trị tại bệnh viện.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Tài liệu tham khảo:

  1. Leal J, Luengo-Fernández R, Gray A, et al. Economic burden of cardiovascular diseases in the enlarged European Union. Eur Heart J. 2006; 27: 1610–9. DOI: 10.1093/eurheartj/ehi733 [PubMed] [CrossRef] [Google Scholar]
  2. Talaei M, Oveisgharan S, Rabiei K, et al. The cumulative incidence of conventional risk factors of cardiovascular disease and their population attributable risk in an Iranian population: The Isfahan Cohort Study. Adv Biomed Res. 2014; 3: 242 DOI: 10.4103/2277-9175.145749 [PMC free article] [PubMed] [CrossRef] [Google Scholar].
  3. Talaei M, Oveisgharan S, Rabiei K, et al. The cumulative incidence of conventional risk factors of cardiovascular disease and their population attributable risk in an Iranian population: The Isfahan Cohort Study. Adv Biomed Res. 2014; 3: 242 DOI: 10.4103/2277-9175.145749 [PMC free article] [PubMed] [CrossRef] [Google Scholar].
  4. Rubinstein AL, Irazola VE, Poggio R, et al. Detection and follow-up of cardiovascular disease and risk factors in the Southern Cone of Latin America: The CESCAS I study. BMJ Open. 2011; 1: 1–6. DOI: 10.1136/bmjopen-2011-000126 [PMC free article] [PubMed] [CrossRef] [Google Scholar]
  5. Pearson TA, Mensah GA, Alexander RW, et al. Markers of Inflammation and Cardiovascular Disease. Application to Clinical and Public Health Practice. A Statement for Healthcare Professionals From the Centers for Disease Control and Prevention and the American Heart Association. Circulation 2003;107:499-511
  6. Kawamoto R, Tabara Y, Kohara K, Miki T, Kusunoki T, Takayama S, et al. Association between fasting plasma glucose and high-sensitivity C-reactive protein: gender differences in a Japanese community-dwelling population. Cardiovasc Diabetol. 2011;10:51, 10.1186/1475-2840-10-51
Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

464 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: